Cơ quan truyền thông của đảo Guam đưa tin hệ thống Vòm sắt Iron Dome đã được triển khai hoạt động cùng với Bộ Tư lệnh Phòng không - Tên lửa 94 và Lữ đoàn Pháo binh Phòng không 38.
Việc tăng cường Vòm sắt nhằm củng cố hệ thống phòng không hiện có của hòn đảo, bao gồm cả hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao (THAAD). Hệ thống THAAD vốn được chuyển giao cho đảo Guam vào năm 2013, sau một vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Bộ Tư lệnh phòng không và tên lửa 94 gọi việc triển khai Vòm Sắt là "tạm thời" và "thử nghiệm", trong một chiến dịch được chính thức gọi là 'Chiến dịch Đảo Sắt'.
Guam là tiền đồn quân sự lớn nhất của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Các cơ sở căn cứ không quân của hòn đảo này có máy bay ném bom B-2 và các máy bay phản lực thế hệ thứ năm F-22 và F-35. Guam cũng có một cảng lớn, có khả năng tiếp nhận mọi thứ từ tàu ngầm cho đến tàu sân bay.
Hệ thống Vòm Sắt chống tên lửa Iron Dome của Israel. Ảnh: BBC
Ông Tom Karako thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói với báo Wall Street Journal rằng hòn đảo này rất quan trọng đối với chiến lược Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc. Ông nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không thể bảo vệ Guam - căn cứ không quân và những thứ khác ở đó - thì thực sự rất khó để phóng sức mạnh ra Thái Bình Dương.
Quân đội Mỹ đã thử nghiệm Vòm Sắt Iron Dome ở bang New Mexico vào tháng 8 vừa qua, tiêu diệt 8 mục tiêu tên lửa hành trình mô phỏng của đối phương.
Mỹ đã mua hai hệ thống Vòm Sắt Iron Dome với giá 373 triệu USD từ Israel vào năm 2019. Đây là một giải pháp tạm thời cho đến khi Quân đội Mỹ có thể tạo ra vũ khí riêng để đối phó với hỏa lực tên lửa, máy bay không người lái.
Vòm Sắt Iron Dome được Tập đoàn Rafael Advanced Defense Systems của Israel chế tạo. Vòm Sắt này có tỉ lệ thành công 90%, với hơn 2.000 lần đánh chặn trong thập kỷ qua.
Hệ thống này đánh chặn từ tên lửa và máy bay không người lái cỡ nhỏ đến tên lửa BM-21 Grad ở miền Bắc và miền Nam Israel chống lại Hezbollah của Lebanon và phong trào dân quân Hamas của Palestine ở dải Gaza.
Bình luận (0)