Tòa án ra phán quyết có lợi cho hơn 1.300 người thân của 241 công dân Mỹ thiệt mạng tại một doanh trại thủy quân lục chiến Mỹ ở Beirut – Lebanon năm 1983.
Washington đổ lỗi cho phong trào Hồi giáo Shiite Lebanon – tiền thân của phong trào Hezbollah do Iran hậu thuẫn – gây ra vụ đánh bom đẫm máu kể trên. Tuy nhiên, chính phủ Iran và Hezbollah khẳng định họ không liên quan tới vụ đánh bom này.
Theo Tòa án Tối cao Mỹ, gần 2 tỉ USD trong số các tài sản bị đóng băng của Iran tại Mỹ sẽ được chia cho thân nhân những người thiệt mạng. Markazi - Ngân hàng Trung ương Iran – sau đó phản đối quyết định của tòa án và không chịu bồi thường.
Trước đó, một đạo luật do Quốc hội Mỹ thông qua năm 2012 cũng cho rằng các nguồn tài sản bị đóng băng của Iran nên được dùng để thi hành phán quyết năm 2007 của tòa án liên bang Mỹ, trong đó yêu cầu Iran bồi thường 2,65 tỉ USD cho các gia đình nạn nhân.
Nguyên đơn là Deborah Peterson, chị em gái của lính thủy quân lục chiến James Knipple chết trong vụ đánh bom. Peterson cho biết cô khiếu nại không chỉ vì tiền bạc mà muốn đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra ánh sáng, cho thế giới hiểu những gì đã xảy ra ở Beirut. Luật sư Jeffrey Lamken của ngân hàng Markazi từ chối đưa ra bình luận.
Trong vụ kiện của Peterson, cô và một số nguyên đơn cáo buộc Iran hỗ trợ vật chất cho Hezbollah – phong trào trước đó 2 năm có tên là phong trào Hồi giáo Shiite Lebanon.
Ngoài việc đòi bồi thường về cuộc tấn công năm 1983, họ còn đòi quyền lợi cho thân nhân những người thiệt mạng trong vụ đánh bom ở Khobar Towers - Ả Rập Saudi năm 1996, giết chết 19 nhân viên quân sự Mỹ.
Caragh Fay, luật sư đại diện cho các nạn nhân của vụ tấn công ở Beirut, cho rằng có thể phải mất từ 3 tháng đến 1 năm để chuyển toàn bộ số tiền gần 2 tỉ USD cho các nguyên đơn. Trong đó, mỗi người sẽ nhận được hàng trăm ngàn đến hàng triệu USD.
Các tài sản của Iran bị đóng băng ở New York là một phần dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Iran.
Bình luận (0)