Hành động ăn miếng trả miếng mới nhất của Bắc Kinh, để trả đũa các lệnh trừng phạt trước đó của Washington đối với các quan chức của nước này về Hồng Kông, có thể làm gia tăng căng thẳng giữa 2 nước trước chuyến thăm Thiên Tân sắp tới của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Những hành động này là ví dụ mới nhất về cách Bắc Kinh trừng phạt các công dân tư nhân, các công ty và các tổ chức xã hội dân sự như một cách để gửi tín hiệu chính trị, đồng thời minh họa thêm cho tình hình kinh tế xấu đi và rủi ro chính trị gia tăng của Trung Quốc”.
"Người Mỹ của cả hai đảng đều phản đối những động thái thái quá nhằm vào những người bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản toàn cầu. Nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đe dọa và bắt nạt các tổ chức phi chính phủ có uy tín quốc tế chỉ thể hiện sự cô lập hơn nữa với thế giới" - bà Psaki nói thêm.
Ngày 23-7, Trung Quốc trừng phạt 6 cá nhân và 1 thực thể ở Mỹ để trả đũa động thái trước đó của Washington. Ảnh: Reuters
Theo lời bà Psaki, bà "không biết" về bất kỳ thay đổi nào đối với chuyến thăm Trung Quốc theo kế hoạch của bà Sherman. Chuyến công du có thể sẽ đưa đến các cuộc thảo luận liên quan đến các lĩnh vực mà hai gã khổng lồ kinh tế có thể đồng thuận hay không.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo hành động trả đũa của nước này là chính đáng sau khi Washington áp dụng lệnh trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc vào tuần trước. Bộ cũng đưa ra cảnh báo các công ty Mỹ về rủi ro đối với hoạt động của họ ở Hồng Kông.
Theo thông báo của bộ ngoại giao, Trung Quốc sẽ trừng phạt cựu Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Chủ tịch Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung Quốc Carolyn Bartholomew, cựu Giám đốc Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc Jonathan Stivers, DoYun Kim từ Viện Dân chủ Quốc gia, phó giám đốc Adam King Viện Cộng hòa Quốc tế, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Trung Quốc Sophie Richardson và Hội đồng Dân chủ Hồng Kông.
Trong 1 diễn biến khác, một quan chức giấu tên tiết lộ Mỹ đang xem xét cắt giảm việc bán dầu của Iran cho Trung Quốc vì có khả năng Tehran sẽ không trở lại đàm phán về hạt nhân hoặc áp dụng lập trường cứng rắn hơn bất cứ khi nào.
Vào đầu năm nay, Washington nói với Bắc Kinh mục tiêu chính của họ là khôi phục sự tuân thủ với thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Giả sử điều này được hoàn thành kịp thời, Mỹ không cần phải trừng phạt các công ty Trung Quốc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ khi mua dầu thô của Iran.
Khả năng này đang phát triển do không có sự chắc chắn về thời điểm Iran có thể nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp tại Vienna và liệu tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi có sẵn sàng tiếp tục cuộc đàm phán hay yêu cầu 1 khởi đầu mới.
Bình luận (0)