xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ mạnh tay ở Syria

HOÀNG PHƯƠNG

Sự gia tăng căng thẳng trên không phận Syria có thể đẩy lực lượng Mỹ và Nga vào thế đối đầu

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm 19-6 kêu gọi tất cả quốc gia tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và điều phối bất kỳ hành động trên bộ nào với Damascus.

Không ngại dùng vũ lực

Dù chỉ nói chung chung nhưng ai cũng biết ông Lavrov muốn gửi thông điệp trên đến Washington sau khi quân đội Mỹ lần đầu tiên bắn hạ một chiến đấu cơ của không quân Syria kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011. Theo Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ, chiến đấu cơ F/A-18 của họ bắn hạ chiếc SU-22 của Syria trên bầu trời phía Nam thị trấn Tabqah, thuộc tỉnh Raqqa, vào chiều 18-6 (giờ địa phương) sau khi đối phương ném bom gần vị trí của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Washington hậu thuẫn.

Mỹ cũng cho biết đã liên lạc với phía Nga trong nỗ lực ngăn máy bay Syria trên tiếp tục ném bom nhưng không thành nên mới ra tay. Trái lại, quân đội Syria nói máy bay mình bị bắn hạ khi tiến hành sứ mệnh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cáo buộc hành động của Mỹ nhằm cản trở những tiến triển Damascus đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố. Một chiến dịch tìm kiếm phi công máy bay đang diễn ra.

Cho dù lý do là gì thì vụ bắn hạ máy bay đánh dấu sự leo thang giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Mỹ tại khu vực nói trên. Giới chức Mỹ cho AP biết liên quân đã tiến hành một số cuộc không kích nhằm vào các tay súng ủng hộ chính phủ Syria trong những tuần gần đây. Ở chiều ngược lại, một máy bay không người lái của liên quân đã bị những tay súng này bắn hạ.

Đáng lo hơn, như nhận định của trang Daily Beast, sự gia tăng căng thẳng trên không phận Syria có thể đẩy lực lượng Mỹ và Nga vào thế đối đầu khi hai nước ủng hộ các bên ở 2 chiến tuyến trong cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua. Nga đã triển khai hàng chục chiến đấu cơ đến Syria, không kích cả IS và lực lượng nổi dậy cũng như tuần tra trên không để giám sát chiến đấu cơ Mỹ và đồng minh. Moscow và Washington cho đến giờ vẫn nỗ lực tránh đối đầu bạo lực trên không phận Syria.

Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis của Mỹ, lực lượng Mỹ không ngần ngại tấn công lực lượng của chế độ ông Assad bị xem là can thiệp vào hoạt động của liên quân.

Vào tuần rồi, Moscow tỏ thái độ không hài lòng trước thông tin Mỹ sẽ đưa hệ thống rốc-két pháo binh di động tầm cao (HIMARS) đến căn cứ quân sự Al-Tanf ở miền Đông Nam Syria, gần biên giới với Iraq. Bộ Quốc phòng Nga nói việc triển khai này cho thấy Mỹ có ý định tấn công các lực lượng chính phủ Syria.


Mỹ mạnh tay ở Syria - Ảnh 1.

Một tay súng SDF điều khiển máy bay không người lái ở Raqqa hôm 18-6 Ảnh: Reuters

Thành tựu lớn

Ngoài ra, tờ The New York Times đánh giá vụ việc nói trên phần nào nêu bật sự phức tạp của khu vực, nơi Syria, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Israel và Mỹ cùng các đồng minh tiến hành không kích hoặc tấn công tên lửa vì những mục tiêu khác nhau, có khi đối nghịch nhau. Với Washington, mối bận tâm chính lúc này là tiêu diệt IS. Trong tháng này, các tay súng người Kurd và Ả Rập - được sự hỗ trợ của cố vấn, hỏa lực trên không của Mỹ - mở chiến dịch giải phóng TP Raqqa, được xem là thành trì của IS tại Syria.

Nhưng không chỉ Raqqa, căng thẳng đã gia tăng xung quanh chuyện kiểm soát những địa phương khác ở Syria. Quân đội Syria dù không tham chiến ở TP Raqqa nhưng vẫn đi vào tỉnh Raqqa trong nỗ lực giành quyền kiểm soát tỉnh Deir-ez-Zor giàu dầu mỏ lân cận từ tay IS. Trong khi đó, các tay súng Shiite được Iran hậu thuẫn ở Syria được cho là đang bắt tay với các tay súng cùng phe ở Iraq để thiết lập một hành lang từ Syria sang Iraq và cuối cùng là Iran.

Mục tiêu này có lẽ không quá xa vời sau khi binh sĩ Syria và các tay súng đồng minh hôm 18-6 gặp lực lượng Iraq tại biên giới 2 nước lần đầu tiên trong vài năm qua - một sự kiện được quân đội Syria mô tả là thành tựu lớn trong cuộc chiến chống IS. Theo truyền thông Syria, cuộc gặp diễn ra một ngày sau khi lực lượng Iraq chiếm lại cửa khẩu al-Waleed từ các tay súng IS và quân đội Syria chiếm được thêm lãnh thổ trong chiến dịch quân sự tại khu vực sa mạc.

Ông Rami Abdurrahman, Giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (Anh), nhận định mối liên kết mới thiết lập này sẽ cho phép các tay súng Iraq, trong đó có cả người thân Iran, qua biên giới để hỗ trợ quân chính phủ Syria đánh IS tại Deir el-Zour.

Cùng ngày, cuộc chiến chống IS ở TP Mosul - Iraq chứng kiến bước tiến quan trọng khi lực lượng chính phủ xông vào khu vực thành cổ bên trong thành phố. Theo Reuters, Baghdad hy vọng đây sẽ là cuộc tấn công cuối cùng trong chiến dịch kéo dài 8 tháng qua nhằm giành lại Mosul từ tay IS. Thành cổ và một khu vực nhỏ ở phía Bắc Mosul là những nơi cuối cùng còn nằm trong tay IS. 

Thông điệp của Iran

Một ngày sau khi bắn tên lửa vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở tỉnh Deir el-Zour - Syria, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm 19-6 tuyên bố mọi cuộc tấn công nhằm vào Tehran trong tương lai sẽ chuốc lấy hậu quả là những đợt phóng tên lửa mạnh hơn. IRGC xác nhận vụ bắn tên lửa nhằm trả đũa vụ tấn công của IS ở Tehran hôm 7-6 làm chết 18 người và bị thương hơn 50 người.

Tướng Ramazan Sharif, phát ngôn viên IRGC, nhấn mạnh loạt tên lửa nêu trên chỉ là một phần sức mạnh trừng phạt của Iran. Theo hãng tin Fars, thông tin ban đầu cho biết một số lượng lớn khủng bố bị tiêu diệt và vũ khí của chúng bị phá hủy. Theo ông Sharif, thông điệp này không chỉ gửi đến các phần tử cực đoan ở Iraq, Syria. Ông tuyên bố: "Ả Rập Saudi và Mỹ cũng là những nước nhận thông điệp này. Một số quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Ả Rập Saudi, từng nói họ đang tìm cách gây mất an ninh ở Iran".

Lâu nay, Iran - quốc gia Hồi giáo với đa số người theo dòng Shiite - đã công khai can dự vào cuộc nội chiến ở Syria, hỗ trợ về quân sự cho chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Với vụ tấn công trực tiếp cực kỳ hiếm hoi hôm 18-6, theo trang Slate, Iran đã đột ngột leo thang vai trò của mình ở Syria. Đây là lần đầu tiên Iran sử dụng tên lửa tầm trung kể từ khi kết thúc chiến tranh với Iraq năm 1988. Từ nay, hẳn Mỹ và Israel sẽ càng có lý do để lo ngại, nhất là khi cố vấn đặc biệt của chủ tịch quốc hội Iran mô tả loạt tên lửa đêm 18-6 chỉ là "lời cảnh báo nhẹ nhàng".

Cùng ngày, IRGC bắn tên lửa vào Syria, hải quân Iran tập trận chung với hạm đội Trung Quốc gần eo biển chiến lược Hormuz ở vùng Vịnh. Hãng tin IRNA cho biết 1 tàu chiến Iran tập trận cùng với 2 tàu chiến Trung Quốc, 1 tàu hậu cần và 1 trực thăng Trung Quốc.

Lục San

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo