Trong tuyên bố hôm 22-12, Bộ Tài chính Mỹ thông báo lệnh trừng phạt bổ sung Nga nhằm hỗ trợ việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Điện Kremlin sau đó cho biết họ đang phân tích hành động này và có thể đưa ra quyết định đáp trả phù hợp. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Các biện pháp trừng phạt áp đặt hôm 22-12 là sự tiếp nối lập trường không thân thiện đối với Nga, tiếp nối chính sách gây tác động tiêu cực đến mối quan hệ song phương”.
Ông Peskov lấy làm tiếc rằng bất chấp lợi ích chung và hợp tác phát triển, Washington vẫn theo đuổi một chính sách “đi ngược lại nhu cầu hiện tại”.
Điện Kremlin đang xem xét các biện pháp đối phó lệnh trừng phạt của Mỹ. Ảnh: Sputnik
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định nhũng nỗ lực trên của Mỹ sẽ không hiệu quả. “Điều này giống như tự mình bắn vào chân mình” - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nhận xét và cho biết Moscow sẽ đáp trả bằng các biện pháp phù hợp.
Danh sách trừng phạt của Mỹ bao gồm 14 người giúp đỡ các mục tiêu nằm trong danh sách đen của Mỹ, 6 thành viên phe ly khai Ukraine (cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU)), 2 quan chức dưới thời cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich, 12 tổ chức - trong đó có 3 ngân hàng Nga - hoạt động tại bán đảo Crimea, một số công ty con phần lớn thuộc sở hữu của các ngân hàng Nga Sberbank và VTB.
Mỹ cho biết họ sẽ không rút lại lệnh trừng phạt cho đến khi Nga thực hiện đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn Minsk và trả lại quyền kiểm soát biên giới hợp pháp cho láng giềng Ukraine. Lệnh trừng phạt cũng cho thấy Mỹ tiếp tục không công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga sau khi nó bị Moscow sáp nhập hồi năm ngoái.
Washington đưa ra lệnh trừng phạt bổ sung 1 ngày sau khi EU chính thức kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế Nga thêm 6 tháng, đến giữa năm 2016. Các biện pháp trừng phạt bao gồm hạn chế cho ngân hàng quốc doanh, công ty dầu và quốc phòng của Nga vay vốn.
Cùng ngày 22-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Moscow sẽ tiếp tục giải quyết các tranh cãi tồn tại trong quan hệ thương mại với EU và Ukraine. Ông Putin nói: “Chúng tôi muốn bình thường hóa quan hệ (thương mại) với các đối tác của mình như Ukraine và EU”.
Tuần trước, ông Putin đã ký sắc lệnh đình chỉ thỏa thuận thương mại tự do của Nga với Ukraine từ ngày 1-1-2016 sau khi Kiev và EU nhất trí thực thi thỏa thuận thương mại song phương cũng vào ngày trên.
Bình luận (0)