Một bản báo cáo của nhóm tư duy chiến lược hoạt động độc lập ở Washington - Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - có tựa đề “Chiến lược bố trí lực lượng Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương” cung cấp gần như một kế hoạch chi tiết cho sự chuẩn bị về quân sự của chính quyền Obama trong trường hợp xung đột với Trung Quốc.
Là một tổ chức phi chính phủ, đánh giá của CSIS đã được Bộ Quốc phòng Mỹ đặt hàng theo tinh thần Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2012. Bản báo cáo bao gồm những cuộc thảo luận mở rộng với các nhân viên quân sự Mỹ thông qua Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc.
Báo cáo của CSIS đã được chuyển cho Lầu Năm Góc hôm 27-6 nhưng chỉ đến được với báo chí sau khi các tác giả chính của báo cáo - David Berteau và Micjael Green - đứng ra xác nhận trước Ủy ban Quân lực Hạ viện ngày 1-8.
Căn cứ HMAS Stirling của Úc . Ảnh: AP
Báo cáo được phản ánh nổi bật ở Úc khi giới truyền thông ở đây đưa tin đậm nét một trong những đề nghị của báo cáo: Xúc tiến bố trí một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm ở HMAS Stirling, một căn cứ hải quân ở Tây Úc.
Đánh giá của CSIS nói rõ rằng mục tiêu địa chiến lược căn bản của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ là ngăn chặn tình trạng bá chủ trong khu vực có thể đe dọa các lợi ích của Mỹ như ngăn cản đường đi của Mỹ hoặc kiềm chế lĩnh vực hàng hải. Từ viễn cảnh đó, vấn đề đáng kể nhất đối với Mỹ ở châu Á ngày nay là sức mạnh, ảnh hưởng và tham vọng giành ưu thế đang tăng lên của Trung Quốc. Nói cách khác, quyền lãnh đạo hiện nay của Mỹ trong khu vực phải tiếp tục.
Báo cáo thừa nhận rằng chiến lược quân sự liên kết chặt chẽ với nhu cầu kinh tế. Nó nhận ra “những thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Hàn Quốc là thiết yếu đối với “một cấu trúc thương mại xuyên Thái Bình Dương khả dĩ duy trì ảnh hưởng của Mỹ trong vùng”.
Trong khi tuyên bố phải hợp nhất tất cả những công cụ thuộc sức mạnh quốc gia này và không quá dựa vào năng lực quân sự thì chính sự suy yếu tương đối về kinh tế lại khiến Washington sử dụng sức mạnh quân sự để duy trì sự thống trị của Mỹ ở châu Á, như khu vực Trung Đông.
Nhận thấy Trung Quốc như một đối thủ chính tiềm tàng, báo cáo bác bỏ bất kỳ sự lặp lại nào về chiến lược ngăn chặn của Mỹ đã được dùng để cô lập Liên Xô trong chiến tranh lạnh, thay vào đó chỉ rõ sự độc lập cần thiết về kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc.
Các tác giả đã loại trừ việc dàn xếp chia sẻ quyền lực với Trung Quốc, hoặc, như họ đã mô tả với Ủy ban Quân lực Hạ viện, “một chế độ kiểm soát lưỡng cực vốn thừa nhận lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh hoàn toàn chia rẽ khu vực”.
Báo cáo của CSIS bác bỏ bất cứ sự rút lui nào của Mỹ khỏi châu Á vì điều đó có nghĩa là giao khu vực này cho Trung Quốc
Căn cứ vào UNCLOS trong giải quyết tranh chấp trên biển
Phát biểu tại hội nghị kỷ niệm 30 năm ra đời Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) tại thành phố cảng Yeosu - Hàn Quốc, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh UNCLOS là “một trong những công cụ pháp lý quan trọng nhất thế giới” để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Theo ông Ban, UNCLOS cùng các công cụ pháp lý khác đã cung cấp một khung hành động mở và linh hoạt trong 30 năm qua cho việc giải quyết các tranh chấp, phác họa giới hạn của thềm lục địa mở rộng và quản lý các nguồn tài nguyên của vùng biển quốc tế. “Công ước góp phần duy trì hòa bình và an ninh thế giới, sử dụng công bằng và hiệu quả các nguồn tài nguyên đại dương, bảo vệ và bảo tồn môi trường biển và hiện thực hóa một trật tự kinh tế công bằng và hợp lý” - Tổng Thư ký LHQ nêu rõ.
Cũng tại hội nghị trên, Hàn Quốc đã kêu gọi phải dựa vào UNCLOS trong giải quyết các tranh chấp trên biển. Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-han phát biểu: “Các đại dương đang trở thành nơi tranh chấp về quyền đánh bắt cá và các tuyên bố khác nhau về quyền tài phán quốc gia, khai thác tài nguyên khoáng sản ở vùng biển sâu và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Các vấn đề như vậy phát sinh không phải vì UNCLOS thiếu sót hay các quốc gia thành viên áp dụng sai mà do thái độ bất chấp công ước”.
UNCLOS ra đời năm 1982 và được xem là bản hiến pháp của đại dương. Đến nay, đã có hơn 150 quốc gia ký công ước. Mỹ là cường quốc duy nhất chưa tham gia.
Mỹ Nhung
|
Bình luận (0)