Các nhà sản xuất vũ khí lớn nhất nước Mỹ đã kiếm được những món tiền khổng lồ sau khi xảy ra một loạt vụ xả súng ở nước này. Bốn công ty lớn nhất đã bỏ túi hơn 632 triệu USD chỉ trong vòng 3 năm kể từ sau vụ thảm sát tại Trường Tiểu học Sandy Hook ở Newtown, bang Connecticut (ngày 14-12-2012, khiến 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em).
Lợi nhuận tăng vọt
Chỉ trong 1 năm sau đó, năm 2013, theo báo New York Daily News, lợi nhuận của Công ty Sturm-Ruger, cách Newtown 35 km, đã tăng từ 70,6 triệu USD lên 111,7 triệu USD; lợi nhuận của Smith & Wesso, tăng vọt từ 16,1 triệu USD lên 78,7 triệu USD. Còn Tập đoàn Freedom, nhà sản xuất súng Remington và súng Bushmaster - loại vũ khí sử dụng trong vụ Sandy Hook - đã nâng mức lợi nhuận lên gần 10 lần so với năm trước đó, từ 5,9 triệu USD lên 57,7 triệu USD. Tập đoàn Vista - nhà sản xuất súng săn, đạn dược và đồ phụ tùng súng - cũng tăng lợi nhuận từ 10 triệu USD lên 64 triệu USD.
Hiện tượng nêu trên đã trở nên quen thuộc: Doanh số thường tăng vọt sau khi xảy ra một vụ thảm sát và nhiều người lên tiếng kêu gọi kiểm soát súng. Giám đốc điều hành Công ty Smith & Wesson, ông P. James Debney, giải thích: “Nỗi sợ hãi và tâm trạng không chắc chắn rằng việc kiểm soát súng có thể thực hiện được đã khiến nhiều người lần đầu tiên mua súng”. Các nhà sản xuất vũ khí Sturm-Ruger, Smith & Wesson và Vista đã tăng lợi nhuận đều đặn hằng năm sau vụ Sandy Hook. Riêng Tập đoàn Freedom đã bị thua lỗ năm 2014 khi doanh số súng săn giảm mạnh.
Nhìn chung, các nhà đầu tư dự kiến doanh số tăng vọt khi các chính khách kêu gọi siết chặt kiểm soát súng và cổ phiếu những công ty sản xuất đã tăng điểm mạnh. Bất chấp dư luận nước Mỹ phẫn nộ đối với tình trạng bạo lực sau vụ Sandy Hook, công việc làm ăn của các công ty sản xuất súng vẫn phất lên trong năm 2015 này.
Cả vụ Sandy Hook và những vụ tấn công khủng bố gần đây ở Paris - Pháp hay tại San Bernardino, bang California - Mỹ đều đẩy giá cổ phiếu của Sturm-Ruger và Smith & Wesson tăng cao. Ba ngày sau vụ Sandy Hook, cổ phiếu Sturm-Ruger chốt giá 43,59 USD. Sau đó, khi Tổng thống Barack Obama kêu gọi khôi phục lệnh cấm vũ khí tấn công, cổ phiếu Sturm-Ruger bắt đầu tăng. Đến ngày 4-3-2013, giá cổ phiếu của công ty này đã lên đến 56,45 USD và ngày 14-4-2013 giảm xuống 48,18 USD nhưng đã tăng trở lại sau khi thượng viện Mỹ ngày 17-4-2013 bàn bạc điều luật mở rộng việc kiểm tra nhân thân người mua súng. Điều luật này thất bại nhưng đến ngày 6-1-2014, cổ phiếu Sturm Ruger vọt lên 80,55 USD và đã rơi xuống 48,95 USD hôm 9-11-2015.
Mua súng vì... sợ
Sau khi xảy ra cơn ác mộng ở TP Newtown, tất cả nhà sản xuất súng ở Mỹ đều rất bận rộn. Họ sản xuất 10,8 triệu khẩu súng các loại trong năm 2013, so với 8,5 triệu khẩu trong năm 2012, tức tăng 26%. Đồng thời, con số kiểm tra nhân thân người mua súng cũng tăng vọt, từ 13,7 triệu lên 14,7 triệu. Số súng lưu hành trong dân chúng Mỹ đã đạt đến mức đáng kinh ngạc: khoảng 270 triệu-300 triệu khẩu, tức gần 1 khẩu súng/người.
Với một thị trường rộng lớn như vậy, ngành kinh doanh súng ở Mỹ cực kỳ sinh lợi, với doanh số vũ khí mới loại nhỏ khoảng 8 tỉ USD mỗi năm. Đáng chú ý, gần một nửa số súng sản xuất ở Mỹ là sản phẩm của 3 công ty: Sturm, Ruger & Co., Smith & Wesson và Freedom.
“Tiền bạc mà các nhà sản xuất súng kiếm được không đủ để chúng ta đánh đổi tính mạng của người dân vô tội” - bà Po Murray, Chủ tịch Liên minh Hành động Newtown - tổ chức ủng hộ kiểm soát súng thành lập sau tấn thảm kịch Sandy Hook, bày tỏ. Bà Murray cùng một số nhà hoạt động khác cho rằng doanh số bán súng và lợi nhuận tăng vọt là xu hướng gớm ghiếc xuất phát từ nỗi e sợ của những người sở hữu súng rằng chính phủ sẽ đến tước đoạt vũ khí của họ. “Nỗi lo đó là không cần thiết. Chúng ta đang sống trong một đất nước có gần 300 triệu khẩu súng nên rõ ràng, Mỹ không phải là nơi an toàn nhất trên thế giới” - bà thừa nhận.
Theo những người ủng hộ kiểm soát súng, việc kiện tụng của họ cũng là nguyên nhân làm tăng doanh số “hàng nóng” này. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng kể từ vụ Sandy Hook đến nay, ước tính đã có 90.000 ca tử vong do súng ở Mỹ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật liên bang cho biết riêng trong năm 2013 đã có hơn 33.000 trường hợp tử vong, gồm hơn 11.000 vụ giết người và hơn 21.000 ca tự tử - theo kênh Al Jazeera.
Ông Brian Ruttenbur, nhà phân tích tại Công ty Tư vấn BB&T Capital Markets, nhấn mạnh: “Tác nhân số 1 là nỗi sợ. Túi tiền của nhà sản xuất có thể tăng lên chút ít sau vụ xả súng nhưng doanh số chỉ tăng vọt sau khi các chính khách… mở miệng. Họ chính là những người bạn tốt nhất của các nhà sản xuất súng”.
Giống như các nhà sản xuất khác, lợi nhuận của Công ty Smith & Wesson đã tăng trong mấy năm gần đây do khách hàng là giới trẻ, phụ nữ và cư dân thành thị gia tăng. Họ mua súng để tự vệ và để... tiêu khiển. Ngoài ra, khách hàng mua súng truyền thống vẫn là người lớn tuổi, da trắng, nam giới và thích tìm mua vũ khí để săn bắn. Doanh số của Smith & Wesson đã đạt đến mức cao kỷ lục 626 triệu USD trong năm 2014, tăng 50% so với năm 2010. Quý I/2015, lợi nhuận của công ty tăng lên đến 17,7 triệu USD, một phần là nhờ tăng doanh số phụ tùng súng.
Vận động hành lang
Các nhóm ủng hộ quyền sử dụng súng đã phải chi phí nhiều cho cuộc vận động hành lang, với phần đóng góp đáng kể của những nhà sản xuất súng. Trong năm 2014, các nhóm này đã chi khoảng 12 triệu USD cho các nhóm vận động hành lang lớn nhất nước Mỹ - gồm Hiệp hội Súng quốc gia (NRA), Câu lạc bộ quốc tế Safari, Hội Những người sở hữu súng ở Mỹ và Hiệp hội Quyền súng quốc gia. Chẳng hạn, NRA nhận khoảng 10 triệu USD/năm từ các công ty súng, theo báo cáo của Trung tâm Chính sách chống bạo lực. Thậm chí, những nhà ủng hộ kiểm soát súng còn cáo buộc các nhóm ủng hộ quyền sử dụng súng đã chi tiền nên quốc hội Mỹ không thể siết chặt luật sở hữu súng.
Bình luận (0)