Trong diễn biến mới nhất cho thấy điều này, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA và Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos hôm 15-7 công bố thỏa thuận, cho phép phi hành gia Nga bay trên tàu vũ trụ do Mỹ sản xuất và đổi lại, các phi hành gia Mỹ có thể đi trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga. NASA xác nhận chuyến bay chung bằng tàu vũ trụ Soyuz đầu tiên trong khuôn khổ thỏa thuận mới sẽ diễn ra vào ngày 21-9, khởi hành từ Kazakhstan. Một chuyến bay khác dự kiến tổ chức vào đầu năm 2023.
Theo lập luận của NASA, các cơ quan vũ trụ cần phụ thuộc lẫn nhau và chung tay đóng góp khi hoạt động trên Trạm Không gian quốc tế (ISS). Không một cơ quan vũ trụ nào có khả năng hoạt động độc lập. Vì vậy, thỏa thuận "bay chung" bằng tàu vũ trụ của nhau là cần thiết.
"Thỏa thuận cũng giúp ngăn chặn các tình huống như phi hành đoàn của một nước gặp trục trặc, vấn đề y tế nghiêm trọng hoặc yêu cầu khẩn cấp buộc một phi hành đoàn phải trở về trái đất sớm hơn kế hoạch" - NASA cho biết.
Các phi hành gia Nga trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) trong bức ảnh công bố hôm 4-7 Ảnh: REUTERS
Thỏa thuận mới nêu trên không có sự trao đổi tiền bạc giữa NASA và Roscosmos. Trước đó, từ năm 2006 đến 2020, NASA đã trả trung bình 56 triệu USD/chỗ ngồi trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đưa 71 phi hành gia lên ISS.
Kể từ lúc tàu vũ trụ con thoi của NASA ngừng hoạt động năm 2011, phi hành gia Mỹ phải lên tàu Soyuz nếu muốn bay vào không gian. Đến năm 2020, tàu vũ trụ Crew Dragon của Công ty SpaceX (Mỹ) đã giúp chấm dứt quãng thời gian "bay nhờ" này.
Cũng trong ngày 15-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh miễn nhiệm ông Dmitry Rogozin khỏi chức vụ giám đốc Roscosmos. Hồi tháng 4, ông Rogozin lên tiếng yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và đề xuất Moscow rút khỏi ISS. Trong tuần này, ông Rogozin ra lệnh các phi hành gia Nga trên ISS không sử dụng một cánh tay robot do châu Âu chế tạo sau khi Cơ quan Không gian châu Âu chính thức dừng hợp tác với Moscow trong sứ mệnh đưa tàu thăm dò lên sao Hỏa.
Bình luận (0)