Quan chức này nói với các phóng viên với điều kiện giấu tên: "Đó là ước tính của chúng tôi lúc này". Reuters dẫn lời quan chức này cho biết Moscow đã phóng hơn 625 tên lửa về phía Ukraine.
Mười hai ngày sau khi bắt đầu cuộc tấn công Ukraine, các lực lượng Nga phần lớn đã đình trệ ở phía Bắc Kiev và không kiểm soát bầu trời Ukraine, ngày càng phụ thuộc vào các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo binh.
Không phận ở Ukraine đang là điểm nóng của các cuộc tranh chấp nhưng phía Mỹ đánh giá quân đội Ukraine vẫn còn một lượng lớn máy bay trong trạng thái sẵn sàng cùng vũ khí phòng không để bảo vệ vùng trời nước này.
Ảnh vệ tinh cho thấy các đơn vị chiến đấu, trực thăng và binh sĩ triển khai ở Valuyki, Nga, ngày 20-2. Ảnh: Maxar
Quan chức quốc phòng Mỹ còn tiết lộ cuối tuần qua, Lầu Năm Góc đã ra lệnh điều động thêm 500 binh sĩ tới châu Âu, nâng tổng số lực lượng Mỹ ở đó lên khoảng 100.000 người, vào thời điểm Mỹ tìm cách đề phòng chiến tranh tràn sang các quốc gia NATO.
Số binh sĩ được triển khai bổ sung sẽ tới Đức, Romania và Ba Lan. Ngoài số binh sĩ này, Mỹ cũng sẽ phái máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 tới Hy Lạp song số lượng và địa điểm từ đâu được triển khai vẫn chưa được công bố.
Trong khi đó, các đại diện của Nga và Ukraine đã ngồi xuống cho vòng đàm phán thứ ba hôm 7-3 nhưng không đạt kết quả như mong đợi và hai bên sẽ tiếp tục duy trì đối thoại.
Xe tăng được nhìn thấy ở làng Bugas, Ukriane, ngày 6-3. Ảnh: Reuters
Moscow tuyên bố họ sẽ dừng chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này nhằm vào Ukraine nếu Kiev đáp ứng 3 điều kiện chính. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết tất cả các yêu cầu của Nga chuyển cho phía Ukraine trước cuộc hội đàm ngày 7-3.
Nga muốn Ukraine tôn trọng tính trung lập trong hiến pháp của mình, công nhận Crimea là của Nga, đồng thời công nhận 2 khu vực ly khai Donetsk và Luhansk là các quốc gia độc lập.
Việc các nước phương Tây xem xét tư cách thành viên của Ukraine trong các tổ chức liên minh toàn cầu như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được Moscow coi là mối đe dọa an ninh lớn của họ, và sự mở rộng của NATO về phía Đông đã được Tổng thống Vladimir Putin so sánh với ý tưởng Nga đặt tên lửa ở biên giới Mỹ ở Canada hoặc Mexico.
Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Nga không hề tìm cách đưa ra thêm bất kỳ yêu sách lãnh thổ nào đối với Ukraine, chỉ muốn Kiev công nhận Crimea là lãnh thổ của Moscow.
Phái đoàn Nga (phải) và Ukraine trong vòng đàm phán thứ ba tại Belarus hôm 7-3. Ảnh: Bộ Ngoại giao Belarus
Kiev cho biết đã có một số "kết quả tích cực", liên quan đến việc cung cấp các tuyến đường sơ tán dân thường khỏi các thị trấn, thành phố bị bao vây. Nhà đàm phán Ukraine Podolyak cũng xác nhận hai bên đã đồng ý với một số thay đổi trong công tác hậu cần, giúp quá trình hỗ trợ người dân hiệu quả hơn song không nêu cụ thể.
Phía Nga cho rằng kỳ vọng của họ từ các cuộc đàm phán "không được đáp ứng".
Ukraine tuyên bố lực lượng của họ đã tiêu diệt hơn 10.000 quân Nga, mặc dù Nga chỉ thừa nhận khoảng 500 người thiệt mạng. Các nhà quan sát tin rằng sự kháng cự của Ukraine khiến nhiều người ở Moscow, trong đó có chính Tổng thống Vladimir Putin ngạc nhiên.
Bình luận (0)