Hãng tin Reuters hôm 9-5 dẫn lời Hải quân Mỹ cho biết Nhật Bản gửi một trong hai tàu sân bay lớn nhất của nước này là Izumo tới tham gia tập trận. Trong khi đó, Ấn Độ triển khai tàu khu trục INS Kolkata và tàu chở dầu INS Shakti.
Các hoạt động diễn ra trong vòng một tuần và đã kết thúc hôm 8-5 (giờ địa phương). Cuộc tập trận được tiến hành sau khi hai tàu chiến khác của Mỹ tiếp cận các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông cách đây 3 ngày.
Theo đó, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Preble và USS Chung-Hoon của Mỹ đã tiến vào khu vực trong phạm vi 12 hải lý từ bãi đá Gaven và Chigua thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối hành động này vì cho rằng nó "vi phạm chủ quyền của Trung Quốc".
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence của Mỹ trong một cuộc tập trận ở biển Đông hồi tháng 1 năm nay. Ảnh: Reuters
Về cuộc tập trận chung giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines vừa qua, Chỉ huy Andrew J. Klug – thuyền trưởng tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence của Mỹ - tuyên bố: "Những cam kết mang tính chuyên nghiệp với các đồng minh, đối tác và bạn bè trong khu vực của chúng tôi là cơ hội để xây dựng mối quan hệ bền chặt hiện tại".
Reuters bình luận các cuộc tập trận tương tự đã được tổ chức ở biển Đông trong quá khứ. Tuy nhiên, việc 4 quốc gia nói trên kết hợp tập trận tại biển Đông "cho thấy một thách thức mới đối với Trung Quốc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa tăng thuế lên số hàng hóa trị giá 200 tỉ USD từ Bắc Kinh".
Hải quân Mỹ nhiều lần khẳng định họ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tự do hàng hải như vậy ở các vùng biển quốc tế trên khắp thế giới mà không cần cân nhắc chúng có gây ảnh hưởng về chính trị hay không.
Hồi tháng 4, Mỹ cũng điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence và một tàu khu trục khác qua eo biển Đài Loan khiến Trung Quốc phản ứng.
Bình luận (0)