Báo Japan Times dẫn nguồn tin quân sự Nhật Bản cho biết kế hoạch nêu trên nhằm đảm bảo sự ổn định trên tuyến đường biển mà Tokyo đang sử dụng để nhập khẩu dầu thô qua biển Đông, đồng thời kiềm chế hành động khiêu khích của Bắc Kinh trong khu vực.
Trong khi Nhật Bản và Trung Quốc vẫn căng thẳng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, động thái mở rộng hoạt động của SDF tới tận biển Đông có khả năng làm Trung Quốc phản ứng dữ dội. Do đó, Tokyo sẽ thảo luận về vấn đề này một cách thận trọng với đồng minh Washington.
Nguồn tin cho biết thêm Mỹ và Nhật Bản đang lên kế hoạch hợp tác về nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, sử dụng vệ tinh để giám sát đường biển cũng như khu vực đảo xa. Có thể kế hoạch sẽ được 2 bên thông qua vào cuối tháng này, khi bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương được cập nhật.
Trước tình hình căng thẳng do Trung Quốc xây dựng đường băng trái phép xung quanh quần đảo Trường Sa, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter hôm 8-4 bày tỏ sự phản đối quyết liệt nỗ lực làm thay đổi hiện trạng biển Đông bằng vũ lực của Trung Quốc.
Về kế hoạch kết hợp giám sát trên biển Đông, Mỹ và Nhật Bản đã có tiến bộ trong việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý cần thiết để hai bên dễ dàng thực hiện. Chính sách quân sự được Thủ tướng Shinzo Abe công bố sửa đổi bao gồm điều khoản cho phép SDF bảo vệ các tàu chiến Mỹ trong trường hợp khẩn cấp.
Washington cũng đang tìm kiếm người trợ lực cho mục đích tuần tra và giám sát chung nhằm giảm bớt gánh nặng cho quân đội nước này trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng bị cắt giảm.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết SDF đang phải vất vả tuần tra lãnh thổ Nhật Bản. Mở rộng hoạt động ra ngoài biển Đông sẽ trở thành một thách thức không nhỏ vì SDF phải đầu tư thêm trang thiết bị và nhân sự, vốn không dễ thực hiện một sớm một chiều.
Trong một diễn biến khác, tướng Gregorio Pio Catapang, chỉ huy Lực lượng Vũ trang Philippines hôm 20-4 cho biết hành động cải tạo các rạn san hô quanh quần đảo Trường Sa của Bắc Kinh là “đáng lo ngại”. Ông Catapang khẳng định Trung Quốc “sẽ gây căng thẳng với các nước láng giềng vì ngăn cản tự do hàng hải”, thậm chí phục vụ cho mục đích quân sự thông qua hoạt động kể trên.
Chỉ huy Lực lượng Vũ trang Philippines kêu gọi Bắc Kinh dừng hoạt động “khai hoang biển Đông” và hành xử có trách nhiệm trên cương vị một nhà nước độc lập cũng như thành viên của cộng đồng quốc tế.
Bàn về hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên biển Đông, Giáo sư David Rosenberg, chuyên gia về chính sách môi trường thuộc Trường ĐH Quốc gia Úc, cho rằng việc này đang phá hoại môi trường biển, gây nhiều hậu quả khó lường về kinh tế, sinh thái và bảo tồn đại dương.
Theo ông, môi trường sống của các sinh vật biển, bao gồm những loại hải sản có giá trị kinh tế cao, bị xáo trộn vì hoạt động nạo vét cát, hư hại rạn san hô...
Bình luận (0)