Tất cả những hành động nói trên cho thấy nỗ lực của Mỹ và đồng minh Nhật Bản trong việc tăng cường khả năng quân sự trên biển, giữa lúc Trung Quốc đang leo thang căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Báo Navy Times dẫn thông cáo báo chí hôm 20-1 cho biết 2 tàu khu trục USS Mustin và USS McCampbell của Hải quân Mỹ đang tổ chức tập trận với khoảng 6 tàu của Hải quân Nhật Bản ngoài khơi đảo Guam. Nội dung tập trung vào hoạt động săn ngầm và đối phó với máy bay chiến đấu trong trường hợp khẩn cấp.
Tham gia cuộc tập trận Guam Exercise (GUAMEX) còn có 1 máy bay tuần tra hàng hải, một số máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler và 1 tàu ngầm. Đây là cuộc tập trận thường niên của Hải quân thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JMSDF) với quân đội Mỹ.
Sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tìm cách điều chỉnh Hiến pháp để cho phép quân đội mở rộng hoạt động quân sự ra nước ngoài, Tokyo đang thể hiện sự quyết đoán hơn đối với an ninh khu vực, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng lấn tới trên biển.
Các quan chức Hải quân Nhật Bản cho biết họ có thể bắt đầu các cuộc tuần tra trên biển Đông cùng với tàu chiến Mỹ nhưng không tiết lộ thời điểm cụ thể. Hải quân Nhật Bản được đánh giá là có lực lượng thuộc loại "khủng" với hơn 120 tàu, trong đó có tàu khu trục, tàu ngầm tấn công...
Hôm 22-1, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh việc tăng cường liên minh Nhật-Mỹ là một trong những chính sách đối ngoại hàng đầu của nước này. Nhật Bản cũng sẽ thúc đẩy quan hệ với các quốc gia châu Á, đồng thời khẳng định “một số nước bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với một loạt hành động đơn phương thay đổi hiện trạng biển Đông của Bắc Kinh”. Ông Kishida cũng tuyên bố Tokyo sẽ không chấp nhận những hành động đó như một sự đã rồi.
Cơ sở thử nghiệm tên lửa phòng thủ Aegis ở Hawaii. Ảnh: lockheedmartin.com
Ngoài việc tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Mỹ còn đang đẩy mạnh các cuộc thảo luận về kế hoạch chuyển địa điểm thử nghiệm tên lửa phòng thủ Aegis ở Hawaii thành căn cứ sẵn sàng chiến đấu nhằm chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Đề xuất này đã tồn tại nhiều năm qua và được hâm nóng trở lại sau vụ thử “bom nhiệt hạch” của Triều Tiên ngày 6-1 vừa rồi, và những bước tiến về khả năng tên lửa của Trung Quốc.
Hệ thống Aegis do tập đoàn Lockheed Martin phát triển để trang bị cho các tàu khu trục của Hải quân Mỹ. Đây là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất của Washington, tích hợp radar, phần mềm, màn hình hiển thị, bệ phóng và tên lửa.
Phiên bản trên đất liền có tên gọi Aegis Ashore được xây dựng ở Hawaii kết hợp với các hệ thống Aegis trên tàu khu trục khác sẽ bổ sung thêm một lá chắn phòng thủ tên lửa cho các đảo của Mỹ và Bờ Tây, phòng trường hợp bị tên lửa đạn đạo Triều Tiên tấn công. Hiện Mỹ sở hữu các hệ thống đánh chặn tên lửa trên đất liền ở hai bang Alaska và California.
Để biến khu thử nghiệm ở Hawaii thành căn cứ tấn công, quân đội Mỹ cần điều phối thêm nhân sự, kho dự trữ tên lửa và tăng cường an ninh với chi phí ước tính 41 triệu USD. Bên cạnh đó, Cơ quan Phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc phải giao quyền kiểm soát lại cho Hải quân Mỹ.
Trước ý định trên, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Zhu Haiquan bày tỏ lo ngại vì “tăng cường năng lực quân sự sẽ chỉ dẫn đến xung đột gia tăng và không giải quyết được điều gì”. Ông Zhu nói: “Trung Quốc hy vọng các nước liên quan hành động trên cơ sở hòa bình và ổn định khu vực, bằng một thái độ có trách nhiệm và thận trọng về vấn đề phòng thủ tên lửa”.
Trong khi đó, Nga nhiều lần phản đối Mỹ triển khai Aegis Ashore ở Romania – sắp đi vào hoạt động trong vài tuần tới. Một hệ thống tương tự sẽ được Mỹ đặt tại Ba Lan vào năm 2018. Cả 2 nước này đều là thành viên của NATO.
Bình luận (0)