Trái với Nhật Bản, chính quyền Đài Loan hôm 31-3 cho biết sẽ gia nhập AIIB với hy vọng giúp ích cho nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực và khả năng tham gia các tổ chức đa quốc gia khác. Hiện chưa rõ Trung Quốc có chấp nhận đơn đăng ký của Đài Loan hay không do những căng thẳng trong quan hệ giữa hai bờ eo biển. Cùng ngày, Ngoại trưởng Na Uy Boerge Brende cũng thông báo mong muốn góp vốn vào AIIB.
Trung Quốc ấn định ngày 31-3 là thời hạn chót để các nước nộp đơn đăng ký làm thành viên sáng lập AIIB, ngân hàng được thành lập với mục đích chính là cung cấp tài chính cho các dự án hạ tầng, giao thông và năng lượng ở châu Á. Theo Reuters, hơn 40 nước đã gia nhập hoặc thông báo ý định tham gia AIIB bất chấp cản trở của Mỹ. AIIB được xem là trở ngại đối với những nỗ lực của Washington nhằm mở rộng ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương và kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Ngoài ra, Mỹ lo ngại AIIB có thể thách thức những tổ chức tài chính được nước này hậu thuẫn, như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)... Theo Reuters, một số nhà phân tích cho rằng Mỹ và Nhật có thể chọn cách hợp tác với AIIB thông qua WB, IMF và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB, nơi Nhật Bản kiểm soát).
Số lượng thành viên sáng lập AIIB sẽ chính thức được xác nhận vào ngày 15-4 tới và ngân hàng này dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay với số vốn ban đầu dự kiến là 50 tỉ USD. Những nước tham gia AIIB tin rằng điều này sẽ cho phép họ có tiếng nói tài chính mạnh mẽ hơn cũng như mở đường để doanh nghiệp nước mình tham gia các dự án phát triển hạ tầng đầy tham vọng ở khu vực. ADB ước tính nhu cầu phát triển hạ tầng ở châu Á lên đến ít nhất 8.000 tỉ USD từ năm 2010-2020.
Bình luận (0)