Theo tờ The Wall Street Journal, giới chức cấp cao Mỹ những ngày gần đây đã phát đi tín hiệu cho thấy Nhà Trắng sẵn sàng sử dụng sức mạnh hiện có để cắt đứt dòng tiền chảy vào "két sắt" của chính quyền Triều Tiên. Dù vậy, các quan chức này nói thêm Washington vẫn muốn tiến hành trừng phạt Bình Nhưỡng thông qua Liên Hiệp Quốc (LHQ) và có sự hậu thuẫn của Trung Quốc hơn.
Giới phân tích nhận định vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên của Triều Tiên hôm 4-7 là "giọt nước tràn ly" khiến nỗ lực "trị" Bình Nhưỡng của Washington quyết liệt hơn bao giờ hết, nhất là khi tên lửa này được cho là có thể đưa bang Alaska của Mỹ vào tầm ngắm.
Những động thái gần đây của Bộ Tư pháp Mỹ cũng ít nhiều hé lộ các tổ chức của Trung Quốc sắp bị đưa vào danh sách đen, sau khi Ngân hàng Đan Đông và 2 cá nhân của Trung Quốc bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vì các giao dịch với Bình Nhưỡng hồi tháng trước.
Máy bay B-1B Lancer của Mỹ bay trên bầu trời Hàn Quốc trong cuộc tập trận bắn đạn thật Mỹ-Hàn hôm 8-7 Ảnh: REUTERS
Một tài liệu mới của Bộ Tư pháp Mỹ đưa vào tầm ngắm "những tài khoản bằng USD ở nước ngoài" gắn với mạng lưới gồm 5 công ty liên quan tới một công dân Trung Quốc tên là Chi Yupeng. Trong những công ty này có nhà nhập khẩu hàng hóa Triều Tiên vào Trung Quốc lớn nhất - Công ty Dandong Zhicheng Metallic Material.
Bộ Tư pháp Mỹ dẫn nguồn tin từ 2 công dân Triều Tiên đào thoát cho biết cái gọi là mạng lưới Chi Yupeng nói trên giúp che đậy các giao dịch nhằm cung cấp tài chính cho chương trình quân sự và vũ khí của Bình Nhưỡng.
Mạng lưới này hiện chưa bị Mỹ trừng phạt. Thế nhưng, theo giới phân tích, dòng tiền thiết yếu của nó có thể bị "bóp nghẹt", giống như cách Mỹ từng thực hiện với một doanh nghiệp Trung Quốc khác là Dandong Hongxiang Industrial Development hồi năm ngoái. Khoảng 20 ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc rửa tiền cho Dandong Hongxiang cũng có thể lọt vào danh sách trừng phạt.
Theo lời giới chức cấp cao Mỹ, chính quyền của ông Donald Trump đã đề nghị Trung Quốc hành động chống lại một danh sách gần 10 công ty và cá nhân Trung Quốc để kiềm chế các giao dịch với Triều Tiên, sau cuộc gặp thượng đỉnh của ông chủ Nhà Trắng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida hồi tháng 4.
Thế nhưng, Washington đã rất thất vọng vì phản ứng của Bắc Kinh. Chủ đề này sẽ được tập trung bàn thảo trong cuộc họp cấp cao Mỹ - Trung tại Washington vào tuần tới, theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Ngay cả khi bước đi trên hiệu quả, Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm để bảo đảm Triều Tiên không có tiền chi cho chương trình hạt nhân, tên lửa. Tờ The Washington Post (Mỹ) hôm 10-7 hé lộ dòng tiền từ châu Phi cũng góp phần không nhỏ giúp Bình Nhưỡng "nuôi dưỡng" tham vọng. Cắt đứt mối quan hệ bền chặt bất chấp cả trừng phạt của LHQ không hề dễ dàng khi nó được bắt đầu từ sự trợ giúp của Triều Tiên cho các quốc gia châu Phi trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thực dân châu Âu những năm 1960.
Theo một điều tra mới đây của LHQ, trong năm nay, các lô hàng của Triều Tiên vẫn được chở sang các nước châu Phi, bao gồm thiết bị vô tuyến tới Eritrea, vũ khí tự động tới Congo, vũ khí huấn luyện tới Angola và Uganda. "Triều Tiên đang lách cấm vận bằng cách bán những vũ khí bị cấm và tăng dần về quy mô, số lượng, chủng loại" - báo cáo của LHQ nêu rõ.
Bình luận (0)