Lệnh trừng phạt mới được công bố trước thềm cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cùng nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị vào ngày 18-3 ở bang Alaska.
Theo Reuters, Bắc Kinh đã kêu gọi thiết lập lại quan hệ song phương hiện ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua nhưng Washington cho biết bất kỳ cam kết nào trong tương lai đều phụ thuộc vào sự thay đổi hành vi của Bắc Kinh.
Theo tờ Straits Times, một quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng cuộc họp cấp cao Mỹ - Trung ngày 18-3 được xem là cuộc thảo luận ban đầu để Trung Quốc và Mỹ hiểu các lợi ích, ý định và ưu tiên của đối phương, góp phần giúp Washington phát triển chiến lược đối phó Bắc Kinh.
Ông Evan Medeiros, chuyên gia về châu Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định cuộc đàm phán ở Alaska không thể giải quyết bất kỳ vấn đề lớn nào nhưng có thể giảm nguy cơ tính toán sai lầm giữa 2 nước.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui-yong tham dự cuộc họp tại thủ đô Seoul - Hàn Quốc hôm 17-3 Ảnh: REUTERS
Trước khi đến Alaska, Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin có cuộc hội đàm "2+2" với những người đồng cấp Hàn Quốc trong ngày 18-3.
Tại cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook hôm 17-3, Bộ trưởng Austin khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn quan trọng hơn bao giờ hết trước những thách thức từ Triều Tiên, Trung Quốc và cam kết Washington bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc.
Theo Reuters, vấn đề Trung Quốc đã phủ bóng lên những vấn đề cốt lõi như mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên và củng cố liên minh tại châu Á trong chuyến công du của 2 ông Blinken và Austin tại Hàn Quốc.
Trước đó, phát biểu cùng ngày trong chặng dừng ở Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cáo buộc Trung Quốc đang gây hấn ở châu Á khi đề cập vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông. Theo Reuters, các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông và Hoa Đông đã trở thành vấn đề ưu tiên trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung.
Theo báo cáo của tổ chức Sáng kiến thăm dò tình hình chiến lược biển Đông (SCSPI - Trung Quốc), quân đội Mỹ đã gây sức ép tối đa tại biển Đông vào năm ngoái thông qua mức độ hiện diện chưa từng có của hải quân và không quân.
Bình luận (0)