Kết quả phân tích dữ liệu mới nhất về các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc tiếp tục cho thấy mưu đồ độc chiếm biển Đông của nước này.
Phép thử cho cộng đồng quốc tế
Dựa trên những hình ảnh vệ tinh của Công ty DigitalGlobe, tổ chức truyền thông phi lợi nhuận Earthrise Media (Mỹ) hôm 24-5 cho biết Bắc Kinh đã cho xây trên đá Subi của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) gần 400 tòa nhà, theo sau là đá Vành Khăn và đá Chữ Thập - mỗi nơi có gần 190 tòa nhà, cấu trúc riêng lẻ. Theo dữ liệu Reuters có được, tổng số tòa nhà Trung Quốc cho xây dựng trái phép ở biển Đông lên đến 1.652.
Tàu Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC ở Hawaii cuối tháng 6-2016 Ảnh: REUTERS
Subi hiện có kích thước lớn nhất trong số 7 đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa. Cả Subi, Vành Khăn và Chữ Thập đều có hạ tầng giống nhau, như nơi đặt tên lửa, đường băng, những cơ sở có thể theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự và thông tin liên lạc của nước ngoài.
Điều đáng lo là đá Subi có thể sớm trở thành nơi đồn trú trái phép của hàng trăm lính thủy đánh bộ Trung Quốc, theo các nhà phân tích an ninh. Giới ngoại giao phương Tây nhận định việc Bắc Kinh đưa binh sĩ hoặc chiến đấu cơ đến các đảo nhân tạo này là phép thử cho các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn Trung Quốc kiểm soát tuyến đường giao thương quan trọng trên biển này.
Thông tin trên được công bố không lâu sau khi Trung Quốc ngang nhiên cho biết máy bay ném bom nước này đã diễn tập trên đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) ở biển Đông. Ngoài ra, theo kênh Fox News, những hình ảnh vệ tinh mới nhất chụp hôm 20-5 của Công ty ImageSat International (ISI) cho thấy quân đội Trung Quốc đã triển khai một hệ thống tên lửa đất đối không mới tới đảo Phú Lâm.
Gây bất ổn khu vực
Trong động thái đáp trả sự leo thang quân sự hóa biển Đông nói trên, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 23-5 cho biết đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hàng hải đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), dự kiến diễn ra ở Hawaii vào tháng tới. Đây là sự kiện diễn ra 2 năm/lần và Trung Quốc bắt đầu được mời từ năm 2014.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ông Christopher Logan, chỉ trích Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn cho khu vực thông qua hành động quân sự hóa biển Đông. Theo ông Logan, Washington có bằng chứng mạnh mẽ rằng Trung Quốc đã triển khai tên lửa đối hạm, đất đối không và thiết bị phá sóng điện tử đến những đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa.
"Chúng tôi tin rằng những động thái triển khai gần đây và hành vi quân sự hóa tiếp diễn ở biển Đông đã vi phạm lời hứa được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra với Mỹ và thế giới" - tuyên bố của Lầu Năm Góc khẳng định.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết việc rút lại lời mời nói trên là phản ứng ban đầu đối với hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông nhưng không nói rõ những bước tiếp theo là gì. Dù vậy, ông Patrick Cronin, một học giả tại Trung tâm Vì an ninh nước Mỹ mới, gọi quyết định của Mỹ là cần thiết để kiềm chế Trung Quốc. "Việc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông đáng bị trừng phạt, không phải tưởng thưởng" - chuyên gia này nhận định với tờ The Washington Post.
Điều đáng nói là Lầu Năm Góc không ngần ngại cứng rắn với Bắc Kinh ngay giữa lúc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang thăm Mỹ. Không có gì lạ khi phản ứng của ông Vương tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là chỉ trích Mỹ có hành động "thiếu xây dựng" và "tư duy tiêu cực". Ông Vương cũng lặp lại lời bao biện cũ rích là hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông chỉ mang tính tự vệ.
Dù vậy, Reuters dẫn các báo cáo tình báo phương Tây gần đây cho thấy tàu Hải quân Trung Quốc và các trạm giám sát trên đá Chữ Thập tăng cường phát đi thông điệp thách thức các tàu và máy bay quân sự nước ngoài. Ngoài ra, Trung Quốc còn bị tố đã "quấy rối" 3 tàu Úc khi đi qua biển Đông gần đây.
Trong phiên điều trần trước thượng viện vào tháng rồi, Đô đốc Hải quân Philip Davidson nhận định sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc ở biển Đông đang là thách thức đáng kể đối với các chiến dịch quân sự của Mỹ tại khu vực. Theo đô đốc này, lời nói của Bắc Kinh không đi đôi với hành động khi họ tuyên bố các đảo nhân tạo sẽ không được sử dụng cho mục đích quân sự.
Bình luận (0)