"Chúng tôi đang tìm kiếm nguồn cung bên ngoài Trung Quốc. Chúng tôi muốn sự đa dạng" - kỹ sư vật liệu Jason Nie, Cơ quan Hậu cần quốc phòng của Lầu Năm Góc, cho hãng tin Reuters biết. Cũng theo ông Nie, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đàm phán với Công ty Tài nguyên Mkango (Malawi) cũng như các nhà khai thác khác trên toàn cầu.
Đây được xem là động thái đối phó kịch bản Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu sang Mỹ đất hiếm - một nhóm 17 nguyên tố hóa học có vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp, từ hàng điện tử tiêu dùng đến laser và thiết bị quân sự. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Trung Quốc hiện cung cấp khoảng 80% lượng đất hiếm nhập khẩu của Mỹ.
Ô-xít đất hiếm praseodymium và neodymium bên trong một nhà máy ở khu công nghiệp Gebeng - Malaysia Ảnh: REUTERS
"Nếu Trung Quốc thực sự vũ khí hóa đất hiếm, Mỹ sẽ không đủ nguồn cung vì họ cần thời gian để xây dựng năng lực tự xử lý, vốn đang ở mức 0" - bà Helen Lau, Công ty Đầu tư Argonaut Securities ở Hồng Kông, nhận định. Giá đất hiếm Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ khi xuất hiện thông tin Bắc Kinh có thể dùng chúng như vũ khí trong thương chiến với Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc hôm 6-6 cung cấp giấy phép thương mại mạng không dây thế hệ 5 (5G) cho 3 nhà khai thác viễn thông quốc doanh China Mobile, China Unicom, China Telecom cùng Đài Truyền hình nhà nước China Broadcasting Network Corporation. Theo Reuters, động thái này sẽ kích thích nguồn vốn đầu tư cho mảng viễn thông để từ đó, tạo ra lợi thế cho các nhà cung cấp hàng đầu như Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei - công ty đang bị Mỹ đưa vào danh sách đen.
Bình luận (0)