Theo bài báo ngày 30-3, số tiền này được Ngoại trưởng Mỹ sắp ra đi, ông Rex Tillerson, cam kết trong một cuộc họp của liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Kuwait hồi tháng 2.
Đây là một dấu hiệu nữa chứng tỏ ý định rút lực lượng Mỹ khỏi Syria của ông Trump không phải là thoáng qua. Thậm chí, trước khi công khai tuyên bố muốn các đồng minh khu vực như Ả Rập Saudi gánh vác nhiều hơn và các nước Ả Rập ở vùng Vịnh đóng góp vào kinh phí tái thiết hàng tỉ USD cho Syria hôm 29-3, ông chủ Nhà Trắng đã nói với các cố vấn hàng đầu về ý định "buông" Syria từ giữa tháng 2.
Theo lời các quan chức giấu tên tiết lộ với AP, ông Trump muốn ngay sau khi tuyên bố đánh thắng IS, khoảng 2.000 quân Mỹ đang có mặt ở Syria sẽ rời đi. Trên thực tế, trong tháng vừa qua, các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm hỗ trợ lực lượng đồng minh địa phương trên mặt đất đã giảm đi.
Lính đặc nhiệm Mỹ bên ngoài TP Manbij – Syria Ảnh THE NEW YORK TIMES
Rõ ràng Syria chỉ là một đấu trường bên ngoài khác mà ông Trump muốn hạn chế vai trò của Mỹ. Với quan điểm "nước Mỹ trên hết", mặc cho các cố vấn an ninh quốc gia đề nghị nên duy trì số lượng nhỏ lực lượng ở Syria, ông chủ Nhà Trắng vẫn không muốn để Washington gánh vác thêm tốn kém.
Dù vậy, theo đài CNN, sau tuyên bố ngày 29-3 của ông Trump, Lầu Năm Góc vẫn chưa nghe thêm chi tiết gì từ Nhà Trắng và khẳng định họ vẫn tiếp tục tập trung vào cuộc chiến chống IS.
Một mặt ước tính IS đã mất khoảng 98% lãnh thổ mà chúng từng nắm giữ ở Iraq và Syria, mặt khác Lầu Năm Góc cảnh báo tổ chức khủng bố này có thể lợi dụng tình hình bất ổn sau khi Mỹ rút quân để trỗi dậy. Hiện chúng đã lợi dụng việc các tay súng người Kurd quay sang chống cự chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria để tái lập lực lượng, theo CNN.
Lo lắng nhiều nhất lúc này có lẽ là các nhóm nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn, đặc biệt là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Đây là đối tác chống IS chủ lực của Mỹ tại Syria, bao gồm 50% tay súng Ả Rập và 50% người Kurd. "Thiếu sự ủng hộ của Mỹ, họ có thể rơi vào thế yếu và phải quay sang thỏa thuận với chính phủ Syria" - ông David Adesnik, Giám đốc nghiên cứu của Quỹ Các nền dân chủ quốc phòng, nhận định.
Trong khi đó, khoảng trống do Mỹ để lại gần như chắc chắn sẽ được lấp đầy bởi Nga và Iran. Đặc biệt, nếu Mỹ rời căn cứ của mình ở At Tanf thuộc Đông Nam Syria, Iran có thể nắm giữ tuyến đường xuyên suốt từ Damascus tới Tehran, từ đó củng cố hơn nữa ảnh hưởng trong khu vực.
Không chỉ được lợi về quân sự, Nga, Iran và chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad còn có khả năng chiếm lại được các giếng dầu đang nằm trong tay các nhóm nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn.
Bình luận (0)