Hai quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây tiết lộ với tờ Politico rằng các tên lửa được cân nhắc là tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 (AMRAAM), được thiết kế để sử dụng trên các máy bay phương Tây bao gồm cả F-16, và có tầm bắn hơn 100 km.
Tuy nhiên, các nguồn tin cũng nhấn mạnh những thách thức đặt ra do sự khác biệt đáng kể giữa công nghệ của Mỹ và Liên Xô.
Vấn đề mấu chốt là tên lửa và máy bay không thể "nói chuyện" với nhau. Để khai hỏa, radar của máy bay phải tìm mục tiêu và sau đó dẫn đường đạn đến gần mục tiêu.
Một quan chức Mỹ nói: "Các hệ thống của Mỹ và Liên Xô khác nhau đến mức tên lửa không thể trao đổi thông tin với máy bay. Quá trình đánh giá đang ở giai đoạn tìm phương án lắp tên lửa lên máy bay, cũng như tìm cách kết nối các hệ thống của máy bay với loại vũ khí không nằm trong thiết kế của nó".
Tiêm kích MiG-29 Ukraine trước một chuyến xuất kích. Ảnh: Drive
Thêm vào đó, các nguồn tin cho biết có những lo ngại về việc Kiev sắp hết khả năng phòng không khi lực lượng Nga tiếp tục tấn công tên lửa vào cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự của Ukraine, đồng thời thả khí cầu có phản xạ radar để làm cạn kiệt kho tên lửa của Ukraine.
Theo Politico, nếu Lầu Năm Góc thành công trong việc kết hợp AMRAAM và MiG, đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ trang bị cho máy bay Ukraine khả năng bắn tên lửa không đối không.
Trong khi đó, tờ Pravda ngày 8-3 đưa tin Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tái khẳng định Warsaw sẵn sàng cung cấp tiêm kích MiG-29 cho Ukraine.
Ông Andrzej Duda cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ sớm chuyển từ các vũ khí, học thuyết, tiêu chuẩn thời Liên Xô sang các tiêu chuẩn của NATO và sử dụng máy bay phản lực F-16. "Vì vậy, việc đào tạo phi công Ukraine là quan trọng và cần thiết" - Tổng thống Ba Lan khẳng định.
Mới đây, vào tháng 2, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết nếu cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine phải mất nhiều tháng huấn luyện, đào tạo phi công Ukraine. Thế nhưng trong trường hợp máy bay MiG-29, các phi công Ukraine gần như có thể sử dụng chúng ngay lập tức.
Mảnh vỡ UAV với dòng chữ Geran-2 của Nga, bị bắn hạ tại Kharkov, Ukraine, tháng 10-2022. Ảnh: Reuters
Đài RT nhận định đến nay, Mỹ và các đồng minh vẫn miễn cưỡng đáp ứng các yêu cầu của Ukraine đối với máy bay chiến đấu phương Tây.
Cuối tháng 2, khi được hỏi về khả năng trang bị cho Ukraine các máy bay chiến đấu của Mỹ, Tổng thống Joe Biden cho biết: "Tôi tạm thời loại trừ khả năng đó". Ông Biden cho rằng Ukraine "hiện không cần F-16" và hiện tại không có cơ sở nào để Mỹ cung cấp F-16 cho Kiev.
Nga đã nhiều lần cảnh báo, việc Mỹ và các đồng minh chuyển giao vũ khí tầm xa tinh vi hơn cho Ukraine có thể vượt "lằn ranh đỏ", dẫn đến căng thẳng leo thang nghiêm trọng. Theo Moscow, việc cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và đào tạo cho quân đội Kiev trên thực tế đã khiến các quốc gia phương Tây tham gia vào cuộc xung đột.
Bình luận (0)