Trung Quốc đã lặng lẽ lắp đặt tên lửa hành trình đối hạm và hệ thống tên lửa đất đối không trên 3 trong số những hòn đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở biển Đông - đài CNBC dẫn báo cáo tình báo Mỹ cho biết hôm 2-5.
Không gây ngạc nhiên
Các hệ thống trên được chuyển đến Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa - thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép - trong vòng 30 ngày qua. Cụ thể, tên lửa hành trình đối hạm YJ-12B có khả năng tấn công tàu nổi trên biển trong vòng 295 hải lý. Còn các tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B có thể bắn trúng máy bay và tên lửa hành trình trong vòng 160 hải lý.
Tờ Financial Times (Anh) nhận định nếu thông tin trên được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên các loại tên lửa tầm xa được triển khai tại Trường Sa, đánh dấu sự leo thang quân sự đáng kể của Trung Quốc tại biển Đông. Trước đó không lâu, nước này đã ngang ngược lắp đặt thiết bị gây nhiễu quân sự nhằm cản trở các hệ thống liên lạc và radar, dẫn đến chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Một loạt động thái sai trái nói trên cho thấy Trung Quốc đang tăng cường quân sự hóa biển Đông hòng phục vụ mưu đồ độc chiếm vùng biển này dù trước đó cam kết không làm thế.
Ảnh chụp Đá Chữ Thập từ vệ tinh hồi đầu năm nay Ảnh: CNBC
Các chuyên gia Mỹ nói họ không ngạc nhiên, dù chưa thể xác nhận, việc triển khai mới nhất nói trên. Hình ảnh chụp từ vệ tinh vào năm ngoái cho thấy Bắc Kinh xây dựng công trình chứa tên lửa trên những hòn đảo nhân tạo này. Tuy nhiên, họ không rõ lý do vì sao Bắc Kinh chọn thời điểm này để triển khai tên lửa đến biển Đông.
"Tôi tin rằng không có lý do đặc biệt nào. Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm cách tăng cường kiểm soát cả trên không lẫn dưới nước ở biển Đông" - bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định.
Trong khi đó, ông Greg Poling, chuyên gia khác của CSIS, cho rằng đây là bước đi tiếp theo của Trung Quốc trên con đường thống trị biển Đông, tuyến đường giao thương chủ chốt của thế giới. Theo ông, bất kỳ tàu thuyền, máy bay nào hoạt động ở khu vực giờ đây biết rằng họ đang nằm trong tầm ngắm của tên lửa Trung Quốc và đây là mối đe dọa nghiêm trọng.
Thách thức Mỹ
Lầu Năm Góc từ chối bình luận về bước đi khiêu khích nói trên nhưng giới chức Mỹ chắc chắn không ngồi yên bởi họ không ít lần bày tỏ quan ngại về những hành động đơn phương, khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông. "Hành động quân sự hóa hơn nữa các tiền đồn sẽ chỉ tăng thêm căng thẳng và làm mất lòng tin hơn nữa giữa các bên liên quan (đến tình hình biển Đông)" - một quan chức Lầu Năm Góc nói với đài CNBC.
Vào tuần rồi, Đô đốc Philip Davidson, người mới được đề cử giữ chức chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đánh giá việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở biển Đông là thách thức đáng kể đối với hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực.
Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim hôm 3-5 nhấn mạnh Mỹ cần phải hiện diện ở biển Đông giữa lúc Trung Quốc quân sự hóa vùng biển này. Ông Kim bày tỏ quan ngại việc Bắc Kinh có hành động đơn phương khiêu khích theo hướng quân sự hóa và cho rằng điều này càng cho thấy tầm quan trọng của Mỹ tại khu vực. Ngoài ra, đại sứ này quả quyết Mỹ sẽ tiếp tục thực thi các sứ mệnh tự do hàng hải tại biển Đông để bảo vệ các quyền quốc tế quan trọng của mọi người và trấn an các đồng minh tại khu vực.
Không chỉ Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản cũng ngày càng lo ngại về sự lấn tới của Trung Quốc tại biển Đông và nhất trí hợp tác để đối phó. Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj ở New Delhi hôm 2-5, nghị sĩ Fumio Kishida, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật Bản, nhấn mạnh nước ông xem Ấn Độ là đối tác quan trọng trong nỗ lực làm cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trở nên tự do và mở.
Bình luận (0)