Kết quả này đạt được sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng giữa Nhà Trắng và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, từ đó giúp nước Mỹ tạm thở phào khi hạn chót vỡ nợ đang đến gần.
Theo nội dung dự luật, trần nợ sẽ bị đình chỉ cho đến quý đầu tiên của năm 2025, tức sau khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 khép lại.
Thay vì nâng trần nợ (hiện ở mức 31.400 tỉ USD) lên một con số cụ thể, việc hoãn trần nợ cho phép quốc hội có thêm thời gian trước khi trở lại thảo luận vấn đề gai góc này. Một động thái như thế còn giúp bảo đảm vấn đề trần nợ công không bị lợi dụng trong chiến dịch tranh cử.
Một nội dung đáng chú ý khác là hạn chế chi tiêu của chính phủ. Theo đài CBS News, Đảng Cộng hòa ban đầu đòi hỏi khống chế chi tiêu trong 10 năm tới ở mức như tài khóa 2022, đồng thời kêu gọi cắt giảm đáng kể những khoản chi trong nước không liên quan đến quốc phòng. Trong khi đó, Nhà Trắng đề xuất duy trì chi tiêu ở mức tài khóa 2023 trong 2 năm tới.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy họp báo sau khi Hạ viện thông qua dự luật về trần nợ công tại thủ đô Washington - Mỹ hôm 31-5 Ảnh: REUTERS
Theo thỏa thuận, chi tiêu của tài khóa 2023 không giảm trở lại mức của năm 2022. Ngoài ra, chi tiêu của tài khóa 2024 được duy trì ở mức như năm 2023. Đến năm 2025, thỏa thuận cho phép chi tiêu phi quốc phòng tăng khoảng 1%.
Theo đài CNN, ngoài việc kiềm chế chi tiêu, dự luật sẽ bảo vệ các phúc lợi chăm sóc sức khỏe của cựu binh, tạm thời mở rộng yêu cầu công việc đối với một số đối tượng người trưởng thành nhận trợ cấp lương thực, thu hồi một phần tiền chưa sử dụng từ quỹ cứu trợ COVID-19, khởi động lại chương trình trả nợ khoản vay sinh viên…
Sau khi qua ải Hạ viện, dự luật được chuyển đến Thượng viện, hiện do Đảng Dân chủ kiểm soát. Các lãnh đạo của cả hai đảng đều muốn các thượng nghị sĩ thông qua dự luật này trong vòng 48 giờ. Sau đó, dự luật sẽ được chuyển đến bàn Tổng thống Biden trước thời hạn vỡ nợ dự kiến là ngày 5-6.
Theo đài CNN, các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này sẽ tác động không nhiều lên nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, một số ước tính cho thấy chi tiêu của chính phủ chỉ giảm nhẹ trong 2 năm của thỏa thuận, tác động tiêu cực nhưng nhỏ đến GDP.
Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty phân tích Moody’s Analytics (Mỹ), nhận định đây chỉ là trở ngại vừa phải đối với một nền kinh tế trì trệ chứ không thể đẩy Mỹ vào suy thoái.
Một số nhà phân tích cũng chỉ ra rằng thỏa thuận có thể mở ra một kỷ nguyên mới của chính sách tài khóa chặt chẽ hơn khi giới lập pháp Mỹ đối mặt với thâm hụt quốc gia tăng vọt trong những năm xảy ra đại dịch COVID-19.
Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) kỳ vọng nhờ thỏa thuận, chi tiêu liên bang sẽ giảm được một khoản tương đương 0,2% GDP mỗi năm trong 2 năm của thỏa thuận.
Bình luận (0)