Cùng với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, rủi ro đến từ Trung Quốc là một trong những vấn đề được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ưu tiên đối phó trong kế hoạch quân sự dài hạn.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh nhóm Quad (còn được gọi là "Bộ tứ", gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ) sẽ đóng vai trò then chốt trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.
Xuyên suốt hội nghị bộ trưởng ngoại giao của "Bộ tứ" diễn ra dưới hình thức trực tuyến hôm 18-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng những người đồng cấp Marise Payne (Úc), S. Jaishankar (Ấn Độ) và Toshimitsu Motegi (Nhật Bản) một lần nữa phản đối gay gắt những hành vi đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng biển Đông và biển Hoa Đông.
Giữa lúc lo ngại liên quan đến tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gia tăng, theo báo South China Morning Post, "Bộ tứ" lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên. Điều này sẽ đưa nhóm tiến gần hơn đến việc thể chế hóa, một kế hoạch đã được tái cam kết sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan nhấn mạnh nhóm này cần trở thành một "nền tảng để Mỹ xây dựng chính sách bền vững tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Tàu chiến Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ trong cuộc tập trận hải quân Malabar trên biển Ả Rập hồi tháng 11-2020. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Về phần mình, Bắc Kinh hôm 18-2 tiếp tục thể hiện sự quan ngại đối với "Bộ tứ". "Chúng tôi hy vọng các cuộc tham vấn, đàm phán và hợp tác giữa các nước liên quan có thể mang lại hòa bình, ổn định cho thế giới và khu vực" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh nhóm Quad "không nên nhắm mục tiêu vào một quốc gia cụ thể".
Cùng ngày, trước thềm hội nghị bộ trưởng ngoại giao "Bộ tứ" lần 3 nêu trên, giới chuyên gia Trung Quốc khẳng định với Global Times rằng chính quyền Tổng thống Biden đã thừa kế chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Do đó, Bắc Kinh cần theo dõi sát sao tình hình trong khu vực, vạch ra "lằn ranh đỏ" và sẵn sàng trừng phạt kinh tế nếu Washington vượt qua chúng.
Trung Quốc có lý do để phản ứng mạnh bởi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng đang được Liên minh châu Âu chú ý nhiều hơn, với các quốc gia Đức, Pháp và Hà Lan tiên phong bàn thảo chính sách tại đây.
Không dừng lại ở nhóm Quad và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Tổng thống Biden còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật các vai trò toàn cầu để giải quyết thách thức kinh tế, chẳng hạn những thách thức do Trung Quốc đặt ra, trong lần đầu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào ngày 19-2.
Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ sự lo ngại đối với những hành vi của Trung Quốc liên quan đến thương mại, ép buộc chuyển giao công nghệ và trợ cấp cho các ngành công nghệ cao. Theo Bộ trưởng Yellen, Washington đang trong quá trình đánh giá hướng tiếp cận phù hợp với Bắc Kinh và ở thời điểm hiện tại, họ sẽ duy trì thuế quan đã được áp lên hàng hóa Trung Quốc dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, trước khi đánh giá lại tình hình và đưa ra những hành động phù hợp.
Bình luận (0)