Phần lớn thỏa thuận bị CFIUS nói "không" đến từ lĩnh vực công nghệ. Theo một số luật sư đại diện những công ty liên quan, mối đe dọa ngày một lớn về an ninh mạng và tiến bộ nhanh chóng của công nghệ khiến rất khó xác định liệu một thỏa thuận có tiềm ẩn rủi ro đến an ninh quốc gia hay không.
Một số công ty Mỹ bị CFIUS "sờ gáy" đề xuất các biện pháp giảm nhẹ để cứu hợp đồng trong khi những công ty khác chọn cách rút lui. Chẳng hạn, nhà sản xuất thiết bị điện tử Inseego Corp (Mỹ) hủy ý định bán mảng di động cho nhà sản xuất điện thoại thông minh TCL Industries Holdings (Trung Quốc). Nhà Trắng cho biết quyết định của CFIUS rất nhạy cảm nên họ không bình luận về kết quả.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin (phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tại cuộc đối thoại kinh tế ở Washington ngày 19-7 Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, thông tin trên cho thấy CFIUS đang quan tâm nhiều hơn đến những rủi ro tiềm tàng từ các thỏa thuận loại này dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo một số chuyên gia về luật, CFIUS nhiều khả năng sẽ tiến hành xem xét 250-300 thương vụ trong năm 2017, tăng mạnh so với 147 thương vụ hồi năm 2014.
Sự cứng rắn của CFIUS đồng nghĩa các công ty, nhà đầu tư Trung Quốc đang để mắt tới tài sản ở Mỹ có thể phải đối mặt thêm rào cản giữa lúc Bắc Kinh hạn chế dòng tiền chảy ra khỏi đất nước. Kể từ đầu năm nay, các công ty Trung Quốc đã thông báo về 87 thỏa thuận mua doanh nghiệp Mỹ - một con số cao kỷ lục.
Việc CFIUS có lập trường dè dặt hơn với các thương vụ trùng hợp thời điểm quan hệ chính trị, kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn. Tại cuộc đối thoại hôm 19-7, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này không thể nhất trí về những bước đi nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Bình luận (0)