Không như bitcoin và các loại tiền ảo khác, CBDC do ngân hàng trung ương các nước ban hành và kiểm soát.
Trước khi đưa ra quyết định, FED mời gọi công chúng trả lời 22 câu hỏi được nêu trong báo cáo. FED khẳng định bất cứ đồng CBDC nào nếu ra đời cũng nhằm bổ sung cho các hệ thống tài chính hiện tại chứ không phải để thay thế, đồng thời hứa hẹn sẽ bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng.
Tuy nhiên, CBDC có thể ảnh hưởng tới các quy định tiền tệ hiện tại cũng như cấu trúc của các thị trường tài chính.
Viễn cảnh về đồng CBDC của riêng Mỹ nhận được sự ủng hộ lẫn phản đối từ giới lãnh đạo nước này. Trong khi bà Lael Brainard, một trong số thống đốc của FED, lập luận "tương lai sẽ khó bền vững nếu thiếu một loại CBDC" thì hạ nghị sĩ Tom Emmer cảnh báo CBDC "có nguy cơ bị sử dụng làm công cụ do thám".
Một người dân ở TP Từ Châu - Trung Quốc dùng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số để thanh toán gần đây Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
Trong lúc Mỹ còn chần chừ thì Trung Quốc đang đẩy mạnh việc sử dụng CBDC của riêng mình, còn gọi là nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY).
Tại cuộc họp báo ngày 18-1, ông Zou Lan, người đứng đầu bộ phận các thị trường tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), cho biết tính đến cuối năm 2021, e-CNY đã có 261 triệu người dùng và giá trị giao dịch đạt 87,5 tỉ nhân dân tệ (khoảng 13,78 tỉ USD).
Ra mắt từ năm 2014, theo đài CNBC, e-CNY được thử nghiệm ở nhiều thành phố trong vòng 2 năm qua. Đầu tháng này, ví điện tử e-CNY có mặt trên các cửa hàng ứng dụng của iOS và Android và trở thành một trong những ứng dụng phát triển người dùng nhanh nhất.
Hiện chỉ có người dân tại 10 thành phố, bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải, cùng các địa điểm tổ chức Thế vận hội Mùa đông sắp tới được đăng ký và sử dụng e-CNY tại khoảng 8 triệu cửa hàng chấp nhận loại tiền này.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga vừa đề xuất cấm sử dụng và tạo ra tất cả loại tiền số, với lý do chúng gây hại cho hệ thống tài chính và môi trường của nước này.
Trong báo cáo ngày 20-1, Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng tiền kỹ thuật số có dấu hiệu của kinh doanh đa cấp, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến tính chủ quyền của chính sách tiền tệ. Cũng theo ngân hàng này, hoạt động đào tiền ảo gây hại cho môi trường, nguồn cung năng lượng… Trước đó Nga đã cấm dùng tiền số để thanh toán.
Hãng tin Bloomberg dẫn dữ liệu của Trường ĐH Cambridge cho biết Nga trở thành nước đào tiền ảo lớn thứ ba thế giới vào năm ngoái, sau Mỹ và Kazakhstan. Doanh số giao dịch tiền số của Nga ước đạt 5 tỉ USD/năm.
Bình luận (0)