Mỹ vừa qua mặt Trung Quốc và Ý để trở thành quốc gia có nhiều ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), qua đó trên đường trở thành tâm điểm mới của đại dịch này như cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới trước đó. Theo số liệu của Trường ĐH John Hopkins (Mỹ), Mỹ có 85.400 ca Covid-19 tính đến đêm 26-3 (giờ địa phương) trong khi số trường hợp tử vong tăng lên ít nhất 1.200. Để so sánh, 2 con số này ở Trung Quốc là 81.340 và 3.292, theo trang worldometers.info.
Mỹ ghi nhận ca nhiễm đầu tiên tại bang Washington hôm 22-1 nhưng diễn biến dịch bệnh bắt đầu nghiêm trọng trong tháng này. Con số mới nhất nói trên tăng gần gấp đôi so với 3 ngày trước, qua đó nêu bật việc Mỹ thiếu chuẩn bị cho đại dịch vẫn đang hoành hành mạnh mẽ trên thế giới. Nhiều bệnh viện khắp nước hiện đối mặt sức ép gia tăng do tình trạng thiếu nhân viên y tế, trang thiết bị, đồ bảo hộ và giường bệnh.
Riêng khu vực đô thị New York, nơi ghi nhận hơn phân nửa ca Covid-19 tại Mỹ, đang chứng kiến sự gia tăng mạnh của số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19. Không ít nhân viên y tế đã lên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện về những bệnh viện bị quá tải và nỗi lo phải chăm sóc bệnh nhân trong tình trạng thiếu phương tiện bảo hộ.
Tại cuộc họp báo hôm 26-3, theo hãng tin Reuters, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cảnh báo về nguy cơ thiếu máy thở do nhu cầu đang tăng. Theo ông Cuomo, số người tử vong tại bang này đã tăng lên 385 - con số cao nhất trong số các bang và dự kiến còn tiếp tục tăng - trong lúc số ca nhiễm là 37.000. Quan chức này nói thêm mục tiêu của bang là tăng số giường bệnh từ 53.000 hiện nay lên 140.000 trong thời gian tới.
Người dân xếp hàng đợi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bên ngoài Trung tâm Bệnh viện Elmhurst ở TP New York - Mỹ hôm 26-3Ảnh: Reuters
Tình hình có thể thêm căng thẳng nếu dự báo mới nhất về tình hình dịch bệnh của Trường Y thuộc Trường ĐH Washington tỏ ra chính xác. Theo kết quả phân tích dữ liệu của trường nói trên, dịch Covid-19 có thể khiến hơn 81.000 người tử vong ở Mỹ trong 4 tháng tới và có thể chỉ hạ nhiệt vào tháng 6. Ngoài ra, số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 trên toàn nước Mỹ dự kiến sẽ đạt đỉnh trong tuần thứ 2 của tháng 4. Cũng theo kết quả phân tích, khi dịch bệnh đạt đỉnh tại Mỹ, số lượng bệnh nhân có thể nhiều hơn 64.000 so với số lượng giường bệnh có sẵn và có thể cần sử dụng khoảng 20.000 máy thở.
Khoảng phân nửa trong số 330 triệu người dân tại Mỹ đang được yêu cầu ở nhà hoặc hạn chế đi lại để giảm tốc độ lây lan của virus gây Covid-19 (gọi là SARS-CoV-2). Dù vậy, việc nhiều doanh nghiệp tạm đóng cửa cũng gây ra không ít gián đoạn trong các ngành công nghiệp và khiến hàng triệu người mất việc. Gói cứu trợ lịch sử trị giá 2.200 tỉ USD đang trên đường được quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Donald Trump ký phê chuẩn để giảm bớt tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tại Tây Ban Nha, sự lây lan không ngừng của dịch Covid-19 buộc nhà chức trách gia hạn các biện pháp khẩn cấp đến ít nhất là ngày 12-4. Nước này hiện có số ca tử vong vì Covid-19 nhiều thứ 2 thế giới (chỉ đứng sau Ý) khi con số này tiếp tục tăng lên ít nhất là 4.858, tính đến ngày 27-3, theo trang worldometers.info. Số ca nhiễm cũng tăng vọt lên 64.064, cao thứ 4 thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc, Ý). Nếu tính từ thời điểm tình trạng khẩn cấp được ban bố tại Tây Ban Nha hôm 14-3, số lượng ca nhiễm đã tăng gấp 10 lần.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trong buổi họp từ xa hôm 25-3 về Covid-19 Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Anh nhiễm virus SARS-CoV-2
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 với các triệu chứng mắc bệnh nhẹ. Ông Johnson sẽ tự cách ly tại Dinh Thủ tướng và tiếp tục xử lý công việc của chính phủ. Trong trường hợp ông Johnson không thể điều hành đất nước, Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab sẽ tạm thời tiếp quản công việc.
Trước đó, Thái tử Anh Charles cũng xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 cùng với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Thứ trưởng Y tế Anh Nadine Dorries cũng mắc Covid-19 nhưng sau đó bình phục và quay trở lại làm việc.
Tính đến hôm 27-3, Anh có 11.658 ca nhiễm và 578 ca tử vong do Covid-19. Dự kiến 3,8 triệu người tại Anh sẽ đủ điều kiện nhận trợ cấp tiền mặt lên tới 2.500 bảng/tháng (hơn 3.000 USD).
Tại Ý, số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh trở lại hôm 26-3 cho thấy những thách thức không nhỏ trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Các quan chức Ý cho biết 712 người đã chết vì Covid-19 trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong lên 8.215, nhiều hơn gấp đôi số ca tử vong vì dịch này ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Trong khi đó, tổng ca nhiễm tại Ý đã hơn 80.589, nhiều thứ hai sau Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên trên thế giới, với 81.340 ca nhiễm.
Theo hãng tin Reuters, số ca nhiễm và tử vong mới giảm nhẹ hồi đầu tuần này nhưng khu vực Lombardy, tâm dịch nước Ý, chứng kiến sự tăng vọt hôm 26-3. Thống đốc vùng Lombardy, ông Attilio Fontana, cảnh báo dù số trường hợp nhiễm mới giảm, chính phủ cũng không nhất thiết phải nới lỏng lệnh phong tỏa, dự kiến được dỡ bỏ vào ngày 3-4.
Các chuyên gia y tế nhận định với đài CNBC rằng nhân khẩu học, hành vi xã hội và khả năng xét nghiệm thấp là những lý do khiến Ý có số ca tử vong cao nhất trên thế giới.
Xuân Mai
Bình luận (0)