Phát biểu ở Bahrain trong chuyến công du vùng Vịnh hôm 20-11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trấn an các đồng minh tại Trung Đông rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden tuân thủ cam kết với khu vực này dù Washington đang chuyển sang đối phó với Trung Quốc.
Tại châu Phi, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 19-11 tuyên bố Mỹ sẽ làm những điều khác biệt nhằm giúp châu lục này xây dựng cơ sở hạ tầng.
Châu Phi - nơi cần hàng tỉ USD mỗi năm cho hệ thống đường bộ, đường sắt, đập và mạng lưới điện - đã nhận tài trợ từ Trung Quốc trong suốt thập kỷ qua.
Trong bài phát biểu nhân chuyến thăm Nigeria, ông Blinken kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực đề phòng chủ nghĩa cực đoan và tình trạng tham nhũng đang gia tăng. Không nhắc đến Trung Quốc nhưng ông Blinken khẳng định Washington sẽ minh bạch và bền vững trong vấn đề đầu tư.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh: "Thông thường, các thỏa thuận về cơ sở hạ tầng quốc tế không rõ ràng và mang tính cưỡng ép. Chúng gây ra gánh nặng cho các quốc gia với khoản nợ không thể chi trả. Chúng hủy hoại môi trường và không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho những người thực sự sống ở đó. Mỹ sẽ làm những điều khác biệt".
Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Nhà Trắng hôm 18-11 Ảnh: REUTERS
Ông Blinken nhấn mạnh Mỹ tham gia phát triển hạ tầng ở châu Phi không phải vì cạnh tranh với Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng việc Trung Quốc đầu tư vào châu Phi cơ bản là điều tốt nhưng các quốc gia không nên gánh "những khoản nợ khổng lồ", song song đó cũng cần quan tâm đến vấn đề quyền lợi người lao động, bảo vệ môi trường và chống tham nhũng.
Theo ông Blinken, một số quốc gia trong nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ đầu tư vào châu Phi trong khuôn khổ chương trình "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" mà Mỹ khởi xướng.
Cũng trong nỗ lực hợp tác với các đồng minh nhằm thách thức ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador hôm 18-11.
Cả 3 vị nhất trí tài trợ hàng triệu liều vắc-xin Covid-19 cho các nước khác, đối phó tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu và cấm nhập khẩu hàng hóa do lao động bị cưỡng ép sản xuất.
Các nhà lãnh đạo Mỹ, Canada, Mexico cũng cho rằng đã đến lúc đảo ngược xu hướng thương mại toàn cầu kéo dài nhiều thập kỷ qua và chấm dứt sự phụ thuộc vào ngành sản xuất từ Trung Quốc.
Tổng thống Obrador lập luận hội nhập kinh tế giữa Mỹ - Canada - Mexico, vốn chiếm 28% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, là cách tốt nhất để ngăn chặn sự cạnh tranh từ Trung Quốc và "sự mất cân bằng không thể chấp nhận được".
Theo nhận định của giới quan sát, cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên nói trên là một phần trong kế hoạch của ông Biden nhằm thay đổi chính sách từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, chuyển từ cách tiếp cận cứng rắn sang xu hướng hợp tác.
Ông Ildefonso Guajardo, cựu Bộ trưởng Kinh tế Mexico, người giám sát các cuộc đàm phán thương mại với chính quyền cựu Tổng thống Trump, cho biết các bình luận của 3 nhà lãnh đạo trong hội nghị đánh dấu sự trở lại đáng hoan nghênh của xu hướng đặt "Bắc Mỹ lên hàng đầu".
Bình luận (0)