Mỹ và Nhật Bản đang thúc giục Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), sẽ diễn ra ở Malaysia ngày 4-11, đưa vào tuyên bố chung những nỗi lo về tình hình biển Đông hiện nay bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Sáng kiến đường dây nóng
“Chúng tôi và nhiều nước khác chia sẻ quan điểm rằng vấn đề biển Đông cần được đưa vào tuyên bố chung. Dù vậy, một số thành viên lại suy nghĩ khác” - một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Tại cuộc gặp bên lề hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tiếp tục khẳng định với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn rằng "Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", theo một quan chức quốc phòng Mỹ cấp cao. Quan chức này nói ông Carter nêu rõ biển Đông "sẽ không phải là ngoại lệ", đồng thời bày tỏ lo ngại về các vụ tấn công mạng nghi liên quan đến Trung Quốc.
Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN diễn ra ở thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia ngày 3-11
Ảnh: REUTERS
Một nguồn tin tiết lộ không chỉ Mỹ mà Nhật Bản cũng đề nghị Malaysia “cải thiện” nội dung tuyên bố chung của ADMM+ bằng cách thêm vào vấn đề biển Đông. ADMM+ có sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, New Zealand, Nga.
Theo Reuters, động thái trên diễn ra sau khi bản dự thảo tuyên bố chung được nước chủ nhà chuẩn bị không đề cập biển Đông mà chỉ tập trung vào chủ nghĩa khủng bố và hợp tác an ninh trong khu vực. Phát biểu tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ở Kuala Lumpur ngày 3-11, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng không nhắc đến biển Đông. Thay vào đó, ông kêu gọi các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy đối thoại để đạt mục tiêu chung là hòa bình và ổn định cho khu vực.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị, ông Hishammuddin cho biết các bộ trưởng đã thảo luận Quy tắc đối phó với những tình huống bất ngờ trên biển (CUES), đồng thời chứng kiến lễ ký Sáng kiến liên lạc trực tiếp (DCL) - đường dây nóng giữa các bộ trưởng quốc phòng ASEAN nhằm bảo đảm liên lạc thông suốt và nhanh chóng trong các tình huống khủng hoảng, qua đó xây dựng lòng tin cũng như có phản ứng kịp thời.
Nhật hợp tác với Mỹ
Trước khi đến Malaysia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết những diễn biến mới nhất ở biển Đông sẽ được thảo luận tại ADMM+, trong đó nổi bật là “tốc độ cải tạo đất và tăng cường sức mạnh quân sự chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc”.
Trong khi đó, phát biểu tại Trung tâm Stanford thuộc Trường ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 3-11, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, tuyên bố nước này có kế hoạch trở lại những khu vực tranh chấp ở biển Đông, đồng thời khẳng định chiến dịch tự do hàng hải của Washington không có gì đáng ngạc nhiên bởi Mỹ đã làm điều tương tự nhiều thập kỷ qua.
“Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động trên không, trên biển ở bất kỳ nơi nào, bất kỳ thời điểm nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Biển Đông không phải là một ngoại lệ” - Đô đốc Harris nhấn mạnh, đồng thời nói hoạt động này không nên bị bất cứ nước nào xem là mối đe dọa.
Cùng ngày, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên tiết lộ với Reuters rằng hải quân nước này có kế hoạch tuần tra 2 lần mỗi quý hoặc nhiều hơn tại khu vực 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở biển Đông - một động thái nhằm “nhắc Bắc Kinh và những nước khác” về các quyền lợi của Washington mà luật pháp quốc tế cho phép. Thông tin này được đưa ra sau khi Mỹ cho tàu khu trục USS Lassen vào “vùng cấm địa” kể trên vào tuần rồi.
Theo hãng tin Jiji Press, Tokyo đang có kế hoạch hợp tác với Washington sau cuộc tuần tra này, dù chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe cho đến giờ chưa có ý định đưa tàu đến biển Đông để hỗ trợ sứ mệnh của Mỹ. Luật an ninh mới được thông qua cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cung cấp hỗ trợ hậu cần cho quân đội Mỹ ở bất kỳ đâu, trong đó có biển Đông, nếu Tokyo kết luận tình hình ở đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh đất nước.
Cần tuân thủ luật pháp quốc tế
Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, theo TTXVN, đoàn Việt Nam đã chia sẻ những vấn đề an ninh chung, đồng thời khẳng định các vấn đề hợp tác cũng như đánh giá, nhìn nhận trên biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, chấp hành nghiêm các cam kết chung của khu vực như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), nguyên tắc 6 điểm của ASEAN. Đoàn Việt Nam cũng kêu gọi nhanh chóng hướng tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến đã có cuộc hội kiến Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee.
Bình luận (0)