Theo AP, gói viện trợ quân sự này dự kiến được công bố chính thức trong hôm 4-10 (giờ địa phương). Các hệ thống tên lửa dự kiến được "tiếp tế" cho Ukraine là Hệ thống Tên lửa cơ động cao HIMARS và đây là lần đầu tiên Mỹ gửi thêm loại vũ khí hạng nặng này đến Ukraine kể từ cuối tháng 7.
Quyết định này sẽ đánh dấu số hệ thống tên lửa HIMARS được Mỹ giao cho Ukraine lên tròn 20, mà theo nước này sẽ giúp Ukraine tiến công vào các khu vực mà Nga đang kiểm soát.
Hệ thống HIMARS gồm nhiều tên lửa hạng nhẹ được lắp vào một xe tải thuộc Dòng xe Chiến thuật hạng trung (FMTV) của Quân đội Mỹ - Ảnh: US ARMY
Trong những tuần gần đây, Mỹ cũng cung cấp tài trợ thông qua một chương trình riêng biệt gọi là "Sáng kiến hỗ trợ An ninh Ukraine" (USAI), nhờ đó 18 hệ thống "hỏa thần" HIMARS khác có thể được mua thông qua các hợp đồng dài hạn.
USAI là một sáng kiến đa quốc gia, như một phần nỗ lực chung của Mỹ và các đồng minh phương Tây nhằm bảo đảm các lực lượng của Ukraine được đào tạo và trang bị đầy đủ trong vài năm.
Gói viện trợ 625 triệu USD mới nhất cũng dự kiến bao gồm các loại đạn dược và thiết bị khác. Đây là đợt viện trợ đầu tiên của Mỹ được chuyển giao cho Ukraine trong năm tài chính mới, bắt đầu từ ngày 1-10.
Theo CNN, chính quyền Ukraine cũng đề nghị phía Mỹ cung cấp cho họ một hệ thống tên lửa khác là ATACMS, một hệ thống tên lửa chiến thuật có tầm bắn lên tới 300 km, gấp 4 lần tầm bắn của HIMARS.
Bất chấp đề xuất của phía Ukraine, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa phê duyệt việc gửi ATACMS và cho rằng Ukraine đang làm tốt hơn với các hệ thống HIMARS mà nước này hiện có.
Hệ thống ATACMS của Mỹ - Ảnh: ROOT NATION
Một trong những lo ngại ngăn cản Mỹ cung cấp ATACMS là nó sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ" trong mắt chính quyền Moscow, khiến Mỹ trở thành "một bên trực tiếp" trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, tình hình đang xấu đi trong mắt Washington sau việc Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine vào tuần trước. Mỹ tuyên bố họ sẽ ủng hộ việc sử dụng vũ khí phương Tây bên trong các khu vực này.
Với ATACMS, Ukraine có thể tấn công các cơ sở hậu cần, phòng không và căn cứ ở xa hơn của Nga, thậm chí dội hỏa lực vào sâu bán đảo Crimea hơn nữa.
Nhằm thuyết phục Washington, Kiev sẵn sàng chuyển cho Mỹ danh sách mục tiêu của Nga mà họ nhắm đến. Theo các nguồn tin của CNN, điều này đồng nghĩa Ukraine trao cho Mỹ quyền bác bỏ các mục tiêu bị cho là có thể làm leo thang tình hình. Đồng thời, các quan chức Ukraine tiếp tục bác bỏ e ngại nước này sẽ tấn công vào lãnh thổ Nga.
Bình luận (0)