Hiện chưa rõ có bao nhiều nước sẵn sàng tham gia nhưng Anh và Úc là ứng viên tiềm năng, theo một quan chức Mỹ. Tuy nhiên, Đại sứ quán Anh tại Washington cho biết chưa nhận được yêu cầu tham gia không kích IS cùng Mỹ. Trong khi đó, người phát ngôn của Thủ tướng Úc Tony Abbott cho hay nước này vẫn tiếp tục sứ mệnh nhân đạo ở Iraq nhưng từ chối nói về khả năng tham gia tấn công IS.
Trước đó, Đức khẳng định sẽ không tham gia hành động quân sự chống lại IS. Ngoài ra, không ít nước dù muốn IS suy yếu nhưng lại không sẵn lòng “ra tay” như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Jordan, Pháp…
Hiện nay, có ý kiến nhận định IS có đến 100.000 thành viên với khoảng 20.000- 50.000 người nước ngoài. Ông Hisham al-Hashimi, cố vấn của các cơ quan tình báo Iraq, cho biết: “IS không tự nhiên xuất hiện mà là tập hợp của các nhóm tồn tại từ trước”. Theo ông, các cuộc không kích của Mỹ thậm chí còn giúp IS phát triển. “Việc tuyển mộ thành viên dễ dàng hơn. Baghdadi (thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi) giờ đây được xem là người đứng đầu cuộc thánh chiến” - ông Hashimi nhận xét.
Trong khi đó, theo báo Washington Times, chính phủ Mỹ hiện truy tìm khoảng 300 công dân nước này được cho là đang chiến đấu trong hàng ngũ IS. Washington lo ngại những người này sẽ trở thành nguy cơ lớn nếu trở về và sử dụng các kỹ năng “học” được.
Bình luận (0)