Các giới chức cao cấp Mỹ đang cho thấy rõ Tổng thống Barack Obama sẽ hành động trong những ngày tới để trừng phạt nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad vì điều mà Mỹ quy kết là chính quyền ông ta đã dùng vũ khí hóa học chống lại dân thường; đồng thời phát đi tín hiệu với thế giới rằng Mỹ sẽ không tha thứ cho bất cứ hành động nào vượt qua “lằn ranh đỏ vũ khí hóa học”.
Một câu hỏi mấu chốt lúc này là ông Obama sẽ tìm kiếm sự ủng hộ nào trên diễn đàn quốc tế khi ông bật đèn xanh cho hành động quân sự được chờ đợi? Và quốc gia nào sẽ đứng bên cạnh Mỹ khi Washington tấn công Syria?
Ngoại trưởng John Kerry lên tiếng trong một tuyên bố tại Bộ Ngoại giao chiều thứ hai rằng không nghi ngờ gì nữa, Tổng thống Obama sẽ buộc những kẻ dùng thứ vũ khí hiểm ác chống lại chính người dân của họ chịu trách nhiệm về hành động này. Gọi việc sử dung vũ khí hóa học là sự “cưỡng bức đạo đức”, ông Kerry nói những chứng cứ về cuộc tấn công ở vùng ngoại ô thủ đô Damascus cho thấy Syria đã dấn sâu đến mức sử dụng bừa bãi loại vũ khí mà thế giới văn minh từ lâu đã quyết định không bao giờ được sử dụng.
Lời lẽ của ông Kerry có nội hàm Mỹ không hành động đơn độc mà sẽ tìm cách hình thành một liên minh đủ rộng nhằm ủng hộ bất cứ hành động nào phù hợp với thế giới văn minh. Mỹ không nói liệu nước này có tìm kiếm sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc cho bất kỳ hành động can thiệp nào không, nhưng một động thái như vậy dường như khó xảy ra bởi Nga đã tuyên bố thẳng thừng rằng họ sẽ ngăn chặn việc chuẩn thuận của Hội đồng Bảo an. Trước đây, Nga đã từng phủ quyết các nghị quyết khác của Hội đồng Bảo an về Syria vì sợ chúng có thể được nắm lấy như cái cớ cho hành động can thiệp quốc tế. Vì vậy, Moscow chắc chắn sẽ bác bỏ một nghị quyết nhằm công khai hợp pháp hóa hành động của Mỹ.
Cũng có thể Mỹ xoay xở bằng cách quay sang NATO như đã từng làm ở Kosovo, hoặc có thể đơn giản tìm cách hình thành vội vã một “liên minh ý chí” giữa các cường quốc phương Tây và khu vực. Trong số này có thể kể đến Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả Rập như Jordan, Ả Rập Saudi.
Cuối tuần qua, ông Obama đã điện đàm với Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp François Holland về những vấn đề nóng bỏng. Ngay sau đó, ông Cameron dự kiến kêu gọi các thành viên Quốc hội đang nghỉ hè trở lại nghị trường trong tuần này để tranh luận về khả năng can thiệp quân sự ở Syria. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, đó có thể là dấu hiệu của một hành động can thiệp sắp xảy ra.
Bình luận (0)