Công ty phân tích công nghiệp vũ trụ Seradata (Anh) cho biết mục tiêu là Cosmos 1408, vệ tinh tình báo tín hiệu được Liên Xô phóng lên quỹ đạo năm 1982 và ngừng hoạt động hàng chục năm nay.
Người phát ngôn của Lầu Năm Góc cho biết Mỹ không được thông báo trước về cuộc thử nghiệm và đang theo dõi sát năng lực quân sự của Nga. Ngoài ra, theo Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ đang "tích cực xác định đặc điểm của những mảnh vỡ".
Phát biểu về vụ việc này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói: "Nga liều lĩnh thực hiện cuộc thử nghiệm phá hủy vệ tinh của chính mình, sử dụng tên lửa diệt vệ tinh phóng từ mặt đất (DA-ASAT) vào ngày 15-11. Vụ thử tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ có thể theo dõi cùng hàng trăm ngàn mảnh vụn nhỏ hơn".
7 phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế buộc phải vào trú ẩn trong tàu vũ trụ Dragon và Soyuz do bất ngờ xuất hiện các mảnh vỡ nguy hiểm trong không gian. Ảnh: Reuters
Về phía Bộ Ngoại giao Mỹ, người phát ngôn Ned Price nói rằng Moscow đã sử dụng tên lửa bay thẳng vào không trung để phá hủy một vệ tinh quay quanh quỹ đạo, tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ nguy hiểm bay lung tung ngoài không gian.
Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Nga có "hành vi nguy hiểm và vô trách nhiệm" khi tiến hành một vụ thử tên lửa chống vệ tinh.
Ông Ned Price nhận định: "Thử nghiệm này sẽ làm tăng đáng kể những rủi ro đối với các phi hành gia và nhà du hành vũ trụ trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) cũng như các hoạt động ngoài không gian khác của con người. Hành vi nguy hiểm và vô trách nhiệm của Nga gây nguy hiểm cho sự bền vững lâu dài của các hoạt động ngoài không gian, đồng thời cho thấy rõ rằng những tuyên bố phản đối việc vũ khí hóa hoạt động ngoài vũ trụ của Nga chỉ là giả tạo".
Theo kênh RT, phi hành đoàn có mặt trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) gồm 4 người Mỹ, một người Đức và 2 người Nga được cho là đã nhanh chóng sơ tán vào tàu vũ trụ Dragon và Soyuz khi một số mảnh vỡ va vào quỹ đạo của trạm.
Năm 2019, Ấn Độ thử bắn vũ khí chống vệ tinh vào một mục tiêu tạo ra hàng trăm mảnh vỡ là "rác không gian". Hành động này đã bị Mỹ và các cường quốc khác chỉ trích mạnh mẽ.
Trước đó, năm 2008, Mỹ bắn một vệ tinh để đáp trả việc Trung Quốc trình diễn một vụ hạ gục tương tự vào năm 2007. Tờ The New York Times cho biết ISS phải di chuyển để tránh mảnh rác không gian tạo ra từ vụ thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh năm 2007 của Trung Quốc.
Bình luận (0)