Trong thông báo về đề xuất này, Tổng thống Biden nhận định đây là thời điểm cần nắm bắt để khôi phục và định hình lại một nền kinh tế mới của Mỹ.
Theo kế hoạch của ông Biden, ngân sách liên bang sẽ đạt mức 6.011 tỉ USD trong năm tài chính 2022 và tăng dần lên 8.200 tỉ USD vào năm tài chính 2031. Đáng chú ý, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ giảm từ đề xuất ban đầu là 2.300 tỉ USD xuống còn 1.700 tỉ USD. Trong khi đó, 1.800 tỉ USD sẽ được dành cho giáo dục và các dịch vụ xã hội.
Theo ông Biden, đây là một phần nỗ lực nhằm tạo ra lực lượng lao động tốt hơn trong thế kỷ XXI. Mục tiêu tổng thể là phát triển tầng lớp trung lưu nước Mỹ, đồng thời giúp Washington có ưu thế cạnh tranh hơn các đối thủ.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan đi qua vùng biển ngoài khơi Philippines trong khuôn khổ các hoạt động đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở hôm 27-5 Ảnh: Hải quân Mỹ
Theo hãng tin Reuters, đề xuất ngân sách nêu trên cũng dành cho Bộ Quốc phòng Mỹ khoản tiền 715 tỉ USD, trong đó hàng tỉ USD sẽ được dùng để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân nhằm tăng cường khả năng răn đe Trung Quốc.
Những khoản chi khác tập trung cải thiện sự sẵn sàng của quân đội, đầu tư công nghệ vũ khí hạt nhân, mua thêm tàu chiến và máy bay chiến đấu, phát triển và thử nghiệm các vũ khí thế hệ mới…
Riêng Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương, ra đời nhằm làm đối trọng với Trung Quốc và tập trung vào sự cạnh tranh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhận được hơn 5 tỉ USD. Mục tiêu của sáng kiến này là nâng cao sự sẵn sàng của Mỹ tại khu vực thông qua khoản chi dành cho các hệ thống radar, vệ tinh và tên lửa. Chưa hết, Lầu Năm Góc còn có kế hoạch tăng đầu tư vào các loại tên lửa mới nhằm đối phó tốt hơn với Trung Quốc.
Theo Reuters, những nội dung trên cho thấy căng thẳng với Trung Quốc đang phủ bóng lên kế hoạch chi tiêu quân sự của Mỹ.
Bình luận (0)