Áp lực đang gia tăng đối với việc phải nâng trần nợ - hiện ở mức 31.400 tỉ USD - để tránh kịch bản Mỹ vỡ nợ. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hồi đầu tuần trước cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng nước này có nguy cơ vỡ nợ vào ngày 1-6.
Dự kiến trong ngày 9-5, Tổng thống Joe Biden sẽ họp với các nhà lãnh đạo quốc hội về vấn đề này.
Theo hãng tin Bloomberg, các nghị sĩ Dân chủ khẳng định họ sẽ thương lượng với các đồng nghiệp Cộng hòa về một số vấn đề ngân sách nhưng cũng cáo buộc hành động gắn kết ngân sách chi tiêu với trần nợ công là "bắt con tin".
Quan điểm tương tự được người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates cho biết trong một thông cáo: "Những thượng nghị sĩ ký tên trong lá thư rõ ràng là đang muốn cầm giữ hàng triệu người lao động, doanh nghiệp và người hưởng lương hưu Mỹ làm con tin".
Lãnh đạo phe thiểu số (Cộng hòa) ở Thượng viện Mỹ Mitch McConnell Ảnh: BLOOMBERG
Trước đó, vào cuối tháng 4, với kết quả sát sao 217 phiếu thuận - 215 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa chiếm đa số đã thông qua dự luật cho phép nâng trần nợ thêm 1.500 tỉ USD, đủ để ngăn Mỹ vỡ nợ tới ngày 31-3-2024. Đổi lại, ngân sách phải cắt giảm 4.800 tỉ USD.
Trong cuộc trả lới phỏng vấn kênh MSNBC cuối tuần qua, Tổng thống Biden cho biết ông chưa có ý định kích hoạt Tu chính án thứ 14 để ngăn chặn vi phạm trần nợ công nhưng cũng không loại trừ điều này.
Theo Bloomberg, làm vậy sẽ gây ra cuộc chiến pháp lý đầy rủi ro, có nguy cơ khuấy động các thị trường. Bộ trưởng Yellen từng bác bỏ ý tưởng này trong lần căng thẳng về trần nợ năm 2021 khi cho rằng đó là một "tình thế thảm họa".
Nhưng lần này, Tổng thống Biden tỏ ra cứng rắn hơn, với lập luận "những kẻ cực đoan trong Đảng Cộng hòa đang gây áp lực lên lãnh đạo của họ, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy".
Bản thân ông McCarthy đang yêu cầu cắt giảm ngân sách, xem đây là một điều kiện để nâng trần nợ. Đáp lại, Tổng thống Biden muốn tách bạch 2 vấn đề và các nghị sĩ Cộng hòa phải ủng hộ nâng trần nợ trước rồi mới bàn tới cắt giảm ngân sách.
Bình luận (0)