Theo tuyên bố chung được đưa ra hôm 18-4, hai nước nhất trí thảo luận về các biện pháp giảm phát thải cụ thể, gồm tích trữ năng lượng, thu giữ carbon và hydro. Hai nước cũng sẽ hành động để tối đa hóa nguồn tài chính cho các nước đang phát triển chuyển sang các nguồn năng lượng carbon thấp.
Tuyên bố trên được đưa ra theo sau cuộc gặp giữa đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry với người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa tại TP Thượng Hải trong 2 ngày 15 và 16-4. Ông Kerry là quan chức cấp cao đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden đến Trung Quốc kể từ khi Nhà Trắng đổi chủ.
Cuộc hội đàm cũng đánh dấu việc nối lại đối thoại về vấn đề biến đổi khí hậu giữa 2 nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Cuộc thảo luận song phương này bị đình trệ thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, người đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris năm 2015.
Sau khi đưa Washington trở lại thỏa thuận trên, Tổng thống Biden dự kiến tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu trong 2 ngày 22 và 23-4. Theo AP, 40 nhà lãnh đạo thế giới đã được mời tham dự hội nghị, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Mỹ và một số nước dự kiến công bố các mục tiêu cắt giảm khí thải carbon tham vọng hơn trước thềm hoặc tại hội nghị này, cũng như cam kết hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của các nước kém phát triển hơn.
Dù vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh có thể không đưa ra bất kỳ cam kết mới nào tại hội nghị sắp tới. Trung Quốc trước đó từng cam kết hành động mạnh mẽ hơn trong nỗ lực đạt được mục tiêu "trung hòa về carbon" vào năm 2060.
Bình luận (0)