Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa “gắn mác” thao túng tiền tệ cho Trung Quốc ngay ngày đầu tiên vào Nhà Trắng như hứa hẹn song không loại trừ khả năng ông sẽ sớm thực hiện nước cờ này.
Mạnh tay hơn dự đoán
Đó là cảnh báo được nhóm chuyên gia do nhà kinh tế trưởng Michael Spencer của ngân hàng Deutsche Bank (Đức) đứng đầu gửi tới khách hàng tuần trước. “Vào một thời điểm nhất định trong vài tuần tới, chúng tôi cho rằng có khả năng Tổng thống Trump sẽ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ và đề xuất trừng phạt nếu quốc gia này không chịu đàm phán nhằm giảm bớt thặng dư thương mại với Mỹ” - nhóm chuyên gia nhấn mạnh. Động thái này, nếu có, sẽ cho thấy ông chủ mới của Nhà Trắng đang quyết tâm hiện thực hóa các lời hứa tranh cử dù chúng có gây tranh cãi đến đâu.
Nhóm chuyên gia của Deutsche Bank cho rằng luật pháp hiện tại của Mỹ cùng những biện pháp của Bộ Tài chính nước này trong những năm gần đây dường như không đủ làm hài lòng ông Trump, người muốn có những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nữa đối với hành vi thương mại không công bằng. Vì thế, những biện pháp trừng phạt mới do tân tổng thống đề xuất có thể khắc nghiệt hơn những gì giới chuyên gia dự đoán vài tuần trước đây.
Bên cạnh thương mại, biển Đông và Đài Loan cũng nằm trong số những vấn đề được đánh giá có thể nhanh chóng đẩy quan hệ Mỹ - Trung Quốc vào kỷ nguyên nguy hiểm, nếu không được giải quyết thỏa đáng. Đó là cảnh báo được đưa ra trong báo cáo công bố hôm 7-2 của nhóm chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc. Báo cáo được thực hiện trong 18 tháng qua và mới chuyển lên Nhà Trắng hôm 5-2 nhằm “bắt mạch” quan hệ giữa chính quyền vị tân tổng thống Mỹ khó lường và nền kinh tế số 2 thế giới.
“Bão” ở biển Đông
Theo báo cáo 74 trang nói trên, một trong những đe dọa lớn nhất đến quan hệ Mỹ - Trung và sự ổn định của khu vực là khả năng chính quyền ông Trump đảo ngược chính sách “Một Trung Quốc” trong quá trình xử lý quan hệ với Đài Loan. Một điểm nóng khác là tình hình biển Đông, sau khi ông Trump thẳng thừng cáo buộc Bắc Kinh đang xây dựng một “pháo đài khổng lồ” để nắm chặt tuyến giao thương biển trị giá 4.500 tỉ USD mỗi năm.
Theo các chuyên gia, những hành động ngày càng lấn lướt của Trung Quốc trong khu vực, trong đó có triển khai hệ thống vũ khí tinh vi trên các đảo nhân tạo trái phép, cùng với chủ nghĩa dân tộc gia tăng trong nước, có nguy cơ châm ngòi một cuộc đối đầu nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Hồi tuần trước, có thông tin nói trưởng nhóm chiến lược gia của Tổng thống Trump, ông Steve Bannon, từng dự báo chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở biển Đông là không tránh khỏi trong vòng 5-10 năm tới.
Học giả kỳ cựu về Trung Quốc Orville Schell, thành viên nhóm chuyên gia trên, đặc biệt chú ý đến phát biểu của tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Trong phiên điều trần xác nhận tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 11-1, ông Tillerson khẳng định hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc là phi pháp. Ông tuyên bố “chúng ta sẽ phải gửi tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc, đầu tiên phải chấm dứt xây đảo; thứ hai, không được phép tiếp cận những đảo này”. Giới phân tích nói rằng động thái phong tỏa đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông không khác gì hành động gây chiến.
Tuy nhiên, tờ Japan Times hôm 7-2 dẫn một tài liệu rò rỉ cho thấy tân ngoại trưởng Mỹ dường như đã giảm bớt giọng điệu cứng rắn về biển Đông khi trả lời bằng văn bản những câu hỏi của Thượng nghị sĩ Ben Cardin tại buổi điều trần. “Không thể để Trung Quốc sử dụng đảo nhân tạo để ép buộc các nước láng giềng hoặc hạn chế tự do đi lại trên biển và trên không ở biển Đông” - ông Tillerson trả lời những câu hỏi về chương trình xây đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh.
Bước ngoặt mới
Cuộc chiến pháp lý quanh sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump bước sang bước ngoặt mới khi Tòa phúc thẩm khu vực số 9 ở TP San Francisco, bang California ngày 7-2 (giờ địa phương) nghe các bên đối đầu nhau đưa ra thêm lập luận củng cố quan điểm của mình.
Trước đó một ngày, Bộ Tư pháp Mỹ tiếp tục kêu gọi tòa phúc thẩm khôi phục lệnh hạn chế nhập cảnh vì lợi ích an ninh quốc gia. Trong bản tóm tắt dài 15 trang, bộ này cho rằng sắc lệnh được thực thi hợp pháp trong phạm vi quyền hạn của tổng thống và không nhằm vào tất cả người Hồi giáo. Đáp lại, văn kiện dài 32 trang của các luật sư 2 bang Washington và Minnesota gọi sắc lệnh là “chống người Hồi giáo”. Theo họ, nếu được thực thi trở lại, sắc lệnh sẽ gây hỗn loạn khắp nước, khiến các gia đình chia ly và sinh viên đại học bị mắc kẹt.
Theo Reuters, phe chống sắc lệnh được sự tiếp sức và ủng hộ nhiều hơn trong vụ kiện. Theo thống kê, ít nhất 17 tổng chưởng lý bang, hơn 100 công ty, khoảng một chục nhóm lao động và quyền dân sự đã đệ đơn ủng hộ vụ kiện lên tòa án. Chưa hết, trong ngày 6-2, một nhóm 10 cựu quan chức ngoại giao, an ninh của cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ ký vào tuyên bố chung cảnh báo lệnh cấm không làm đất nước an toàn mà ngược lại, tức là cản trở nỗ lực hợp tác chống khủng bố của Mỹ với các nước. Bên kia “chiến tuyến”, chỉ có hơn 10 nhóm bảo thủ đệ đơn ủng hộ sắc lệnh.
Cuộc chiến pháp lý về sắc lệnh leo thang sau khi thẩm phán liên bang James Robart ở tòa án quận Tây Washington hôm 3-2 ra phán quyết tạm dừng thực thi sắc lệnh của ông Trump trên toàn quốc. Đến ngày 5-2, tòa phúc thẩm nói trên bác yêu cầu của Bộ Tư pháp về việc khôi phục lệnh cấm nhưng yêu cầu các bên trưng ra thêm lập luận.
Qua cuộc chiến pháp lý hiện nay, nổi bật lên là quan điểm khác biệt về vai trò của nhánh hành pháp và hệ thống tòa án. Chính quyền ông Trump khẳng định tổng thống có quyền quyết định ai có thể nhập cảnh hoặc ở lại Mỹ. Trong khi đó, ông Robart cho rằng công việc của thẩm phán là bảo đảm hành động của chính phủ không đi ngược lại luật pháp. Theo Reuters, phiên tòa phúc thẩm ban đầu sẽ tập trung xem xét liệu thẩm phán Robart có đủ cơ sở để đình chỉ sắc lệnh hay không. Tranh cãi lớn hơn về việc liệu ông Trump có quyền ban hành sắc lệnh hạn chế nhập cư hay không sẽ được xem xét sau đó.
Cho dù tòa phúc thẩm có ra phán quyết ra sao, chiến trường tiếp theo của vụ kiện nhiều khả năng là Tòa án Tối cao. Khi đó, vấn đề có thể thêm phức tạp bởi tòa án này hiện chỉ có 8 thẩm phán, thay vì 9, nên không loại trừ khả năng kết quả phân xử thiếu lá phiếu quyết định. Trong trường hợp ứng viên do ông Trump mới bổ nhiệm vào chiếc ghế trống nói trên - ông Neil Gorsuch - được thượng viện thông qua kịp lúc, cán cân có thể nghiêng về phía nhà lãnh đạo này.
Phương Võ
Bình luận (0)