Mỹ và Ấn Độ đã bày tỏ nỗi lo về hành vi của Trung Quốc ở Đông Nam Á tại cuộc đối thoại 2+2 cấp bộ trưởng diễn ra ở thủ đô New Delhi hôm 27-10. Trong Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ - Mỹ, hai nước nhấn mạnh Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) đang được thảo luận không được gây tổn hại đến quyền và lợi ích chính đáng của các nước theo luật pháp quốc tế.
Theo trang The Times of India (Ấn Độ), Trung Quốc và ASEAN đang hy vọng hoàn tất COC vào năm 2021 nhưng hiện có nỗi lo Bắc Kinh có thể sử dụng ảnh hưởng để tác động đến việc thực thi COC theo hướng có lợi cho nước này.
Đây là lần đầu tiên tuyên bố chung của hội nghị trên đề cập vấn đề biển Đông trong 3 năm qua. Tuyên bố này còn nhằm vào Trung Quốc khi tái khẳng định cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và hòa bình, được củng cố bởi hoạt động đầu tư hạ tầng bền vững và minh bạch, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka Dinesh Gunawardena (phải) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại thủ đô Colombo hôm 28-10 Ảnh: REUTERS
Hội nghị trên có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh, Bộ trưởng Ngoại giao S. Jaishankar của nước chủ nhà và Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper của Mỹ. Sau khi thăm Ấn Độ, ông Pompeo đã đến Sri Lanka, chặng dừng chân kế tiếp trong chuyến công du 4 quốc gia châu Á nhằm chống lại sự mở rộng ảnh hưởng về chính trị và quân sự của Trung Quốc tại khu vực thời gian qua. Thông qua chuyến đi này, theo AP, ông Pompeo muốn thúc ép nước chủ nhà thận trọng khi vay tiền và đón nhận đầu tư của Trung Quốc.
Giới chức Mỹ lâu nay phàn nàn rằng các dự án phát triển và hạ tầng của Trung Quốc tại nước ngoài có lợi cho Bắc Kinh hơn là quốc gia chủ nhà. Ông Pompeo đã nhắc lại điều này khi gặp Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka Dinesh Gunawardena hôm 28-10.
Tuy nhiên, ông Gunawardena dường như không muốn để Sri Lanka bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi này khi nhấn mạnh nước ông sẵn sàng hợp tác với mọi quốc gia thân thiện. Đây là phản ứng dễ hiểu bởi Colombo đang là đồng minh thân cận của Bắc Kinh, khác với quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc đang căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ tại biên giới.
Ngoài ra, theo Reuters, Trung Quốc hiện xem Sri Lanka là một mắt xích quan trọng trong sáng kiến hạ tầng toàn cầu "Vành đai và Con đường" và cho quốc gia Nam Á này vay nhiều tỉ USD để thực hiện các dự án cảng biển, sân bay, đường cao tốc và năng lượng. Dĩ nhiên, Bắc Kinh không chịu ngồi yên trước những chỉ trích của Washington. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 28-10 cáo buộc ý định thật sự của ông Pompeo là để Trung Quốc "quay trở lại thời kỳ nghèo và kém phát triển", đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Colombo.
Người ta chắc chắn sẽ còn nghe thấy Mỹ và Trung Quốc khẩu chiến như thế trong những ngày tới khi ông Pompeo đến Maldives hôm 28-10 và sau đó là Indonesia. Đáng chú ý, ông Pompeo là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Maldives trong 16 năm qua và chuyến đi này diễn ra không lâu sau khi hai bên ký thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng nhằm hỗ trợ duy trì hòa bình và an ninh ở Ấn Độ Dương. Trong khi đó, theo trang Nikkei Asia, Maldives hiện mắc nợ Trung Quốc 1,4 tỉ USD, một khoản tiền khiến Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih không khỏi lo lắng.
"Cuộc chiến" về đầu tư hạ tầng
Úc sẽ hợp tác với Nhật Bản và Mỹ để tài trợ 30 triệu USD cho dự án lắp đặt tuyến cáp quang dưới biển cho quốc đảo Palau ở Nam Thái Bình Dương. Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne hôm 28-10 cho biết quyết định trên nhằm thể hiện cam kết chung trong việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng bền vững, minh bạch và chất lượng cao. Mỹ, Úc, Nhật Bản không ít lần phàn nàn rằng nhiều dự án cơ sở hạ tầng được Trung Quốc tài trợ tại khu vực không được hoạch định phù hợp hoặc bền vững về tài chính. Không dừng lại ở phát biểu chỉ trích, ba nước này còn thành lập Đối tác ba bên về đầu tư cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng đến Nam Thái Bình Dương, giới chức Mỹ và Úc lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng khoản vay cho các dự án hạ tầng để làm đòn bẩy nhằm thiết lập căn cứ quân sự tại đó. Riêng Úc đang nỗ lực đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc bằng cách hỗ trợ tài chính cho một loạt dự án cáp của một số nước tại Nam Thái Bình Dương, trong đó có Papua New Guinea, quần đảo Solomon... Ngoài ra, theo trang Bloomberg, chính phủ Úc cam kết viện trợ hơn 1 tỉ USD và rót hơn 1,4 tỉ USD để hỗ trợ các dự án hạ tầng tại khu vực này trong tài khóa 2020-2021.
Xuân Mai
Bình luận (0)