Ông Lục nhấn mạnh Trung Quốc phản đối mạnh mẽ Mỹ đã sử dụng luật pháp trong nước để công kích vấn đề của quốc gia khác, đồng thời ông khẳng định kết quả từ những nỗ lực chống buôn người của Trung Quốc là "rõ ràng mọi người đều thấy".
"Như chúng tôi đã từng lặp đi lặp lại, không một quốc gia nào có quyền phát ngôn thiếu trách nhiệm về các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc kiên quyết cam kết chống nạn buôn người" - ông Lục nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc muốn hợp tác với các quốc gia khác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau để đối phó với nạn buôn người trên toàn cầu.
Trong bản báo cáo về nạn buôn người năm 2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hạ Trung Quốc xuống bậc 3, hạng thấp nhất, bao gồm cả Triều Tiên, Zimbabwe và Syria. Các nước thuộc bậc 3 có thể bị áp đặt lệnh trừng phạt hoặc bị cấm tham gia vào các chương trình trao đổi văn hóa của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: Fox News
Báo cáo cho biết Trung Quốc "không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu cho việc loại bỏ nạn buôn người và không có những nỗ lực đáng kể về vấn đề này". Báo cáo đã liệt kê nhiều vụ buôn bán người xảy ra ở Trung Quốc, bao gồm lao động cưỡng bức, bắt ăn xin, bán dâm, buôn bán phụ nữ, nam giới và trẻ em từ các nước khác sang Trung Quốc. Theo báo cáo, hiện có ít người bị truy tố hơn trước đây.
Vẫn chưa rõ căn nguyên nào khiến chính quyền Mỹ hạ bậc Trung Quốc như vừa nêu. Tuy nhiên, các bản báo cáo thường niên trước đây về nạn buôn người đã nêu Trung Quốc là "nguồn gốc, điểm đến và là quốc gia trung chuyển" đối với lao động cưỡng bức và nạn buôn người.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson xác nhận Trung Quốc bị hạ bậc một phần bởi vì nước này đã không áp dụng những biện pháp nghiêm khắc để chấm dứt sự can dự của mình vào nạn buôn người, trong đó có các lao động cưỡng bức từ Triều Tiên hiện trú ngụ ở Trung Quốc.
Theo bản báo cáo, Trung Quốc thường xuyên đưa người Triều Tiên về nước mà không dò tìm những dấu hiệu của nạn buôn người, mặc dù những người này có thể bị tra tấn hoặc hành quyết khi trở về.
Cũng trong ngày 27-6, ông Lục Khảng cảnh báo các nước ngoài không được can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc sau khi đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh kêu gọi trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động dân chủ đoạt giải Nobel đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan sau 8 năm ngồi tù.
Ông Lục chỉ trích lời kêu gọi này: "Trung Quốc là quốc gia có luật pháp. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Tất cả các quốc gia khác nên tôn trọng sự độc lập về tư pháp và lãnh thổ của Trung Quốc và không nên dùng những trường hợp cá nhân để can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc".
Bình luận (0)