"Các nước trong khu vực muốn Trung Quốc thay đổi hành vi. Chúng tôi cũng vậy. Đó là lý do chúng tôi quyết tâm bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông, nơi các hành vi hung hăng của Trung Quốc đe dọa dòng chảy thương mại trị giá hơn 3.000 tỉ USD/năm" - Ngoại trưởng Blinken phát biểu tại Indonesia, điểm đến đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á của ông.
Ngoại trưởng Blinken khẳng định chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Để "bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp" và bảo đảm một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do, rộng mở", Ngoại trưởng Blinken cho biết chính quyền Tổng thống Biden sẽ điều chỉnh chiến lược để tăng cường hợp tác quân sự, tình báo và ngoại giao với các đối tác, đồng minh trong khu vực nhằm chống lại mọi hành vi phi pháp.
Ông Blinken đồng thời nhấn mạnh Mỹ không tìm cách gây sức ép để buộc các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chọn phe giữa Washington và Bắc Kinh. Theo ngoại trưởng Mỹ, một mặt Washington sẽ củng cố quan hệ với 5 đồng minh hiệp ước trong khu vực (Úc, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan), mặt khác sẽ vun đắp quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với ASEAN.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi ở thủ đô Jakarta hôm 14-12.Ảnh: REUTERS
Trước những tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh Washington nên thúc đẩy hợp tác trong khu vực, thay vì "vẽ ra các đường địa chính trị".
Ông Uông cảnh báo Trung Quốc sẽ trả đũa mọi hành động liều lĩnh của Mỹ, đồng thời hối thúc Washington rút lại lệnh trừng phạt vừa được thông qua nhằm vào những cá nhân và thực thể Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương.
Nhấn mạnh Bắc Kinh quyết bảo vệ đến cùng an ninh, chủ quyền và lợi ích phát triển quốc gia, ông Uông yêu cầu Washington ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Về cuộc hội đàm trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15-12, ông Uông cho biết 2 nhà lãnh đạo sẽ đánh giá quan hệ song phương, hoạch định mục tiêu chung trong năm tới và thảo luận các vấn đề quan tâm chung ở phạm vi khu vực lẫn quốc tế.
Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Nga - Trung được tổ chức không lâu sau khi Moscow và Bắc Kinh chỉ trích Hội nghị Thượng đỉnh các nền dân chủ do Mỹ tổ chức dưới hình thức trực tuyến vào đầu tháng này. Trong bài viết đăng trên tạp chí National Journal, các đại sứ của Nga và Trung Quốc khẳng định thượng đỉnh dân chủ là sản phẩm của "tư tưởng chiến tranh lạnh" nhằm gây chia rẽ địa chính trị.
Trước những diễn biến nêu trên, giới quan sát khẳng định họ sẽ không ngạc nhiên nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden trở thành chủ đề thảo luận chính trong cuộc hội đàm trực tuyến giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin.
Bình luận (0)