"Tôi không tin rằng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi. (…) Chúng tôi không yêu cầu người khác phải chọn bên nào để theo. Chúng tôi biết số nước tìm đến với Mỹ đang tăng. Lý do? Đó là vì Trung Quốc đang có những bước đi mà tôi e là tự cô lập, dẫn đến một kết cục chẳng ai trong chúng ta mong muốn” – ông Carter nhấn mạnh về tình hình biển Đông.
Cách đây vài ngày, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế chiến lược (CSIS) cảnh báo vào năm 2030, Trung Quốc có thể có nhiều tàu sân bay đến mức biển Đông sẽ trở thành “ao nhà” của họ.
Trung Quốc cải tạo trái phép Đá Vàng khăn ở quần Trường Sa của Việt Nam.
Ảnh chụp vào tháng 5-2015. Ảnh: Reuters
Báo cáo của CSIS cũng kết luận chiến lược xoay trục sang châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama chưa đủ hiệu quả để đối phó các mối đe dọa đang tăng từ Trung Quốc (với hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông và gây hấn trên biển Hoa Đông) và Triều Tiên (với chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo).
Theo báo cáo, Mỹ cần duy trì và mở rộng hiện diện quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương cũng như tăng cường thắt chặt quan hệ với các đồng minh và đối tác. Lúc này, Quốc hội Mỹ cũng đang yêu cầu Lầu Năm Góc đánh giá một cách độc lập chiến lược của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.
Cùng ngày 22-1, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull kêu gọi các bên ở biển Đông tránh quân sự hóa khu vực. Gọi các tranh chấp trong khu vực là mối đe dọa hòa bình và trật tự, ông Turnbull kêu gọi các bên giải quyết bất đồng bằng luật pháp quốc tế, như cách Philippines kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế.
Thủ tướng Úc cũng thừa nhận thế giới hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Trung Quốc song bù lại, khu vực bị đe dọa bởi sự mất ổn định. “Chúng tôi mong rằng Trung Quốc tính toán hành động cẩn thận để giảm nguy cơ xung đột, đồng thời tìm cách trấn an láng giềng về mục đích của mình” – ông nói.
Trong khi đó, Kyodo đưa tin ngày 22-1, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết Không quân Mỹ đã triển khai 14 máy bay tiêm kích tàng hình F-22 tới căn cứ không quân Yokota ở phía Tây thủ đô Tokyo. Sự hợp tác quân sự giữa Mỹ - Nhật chắc chắn làm Trung Quốc để ý, nhất là sau khi nhiều quan chức nước này "báo động cao trước việc Nhật Bản tăng cường can thiệp vào biển Đông" gần đây.
Phát biểu trước quốc hội hôm 22-1, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhận định tình hình an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng nghiêm trọng và khẳng định Tokyo sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm đảm bảo thượng tôn pháp luật trên "những vùng biển mở và ổn định". Đề cập đến hoạt động xây đảo trái phép của Trung Quốc ở biển Đông, ông Kishida nói: "Chúng ta không thể chấp nhận những hành động như vậy là sự đã rồi".
Bình luận (0)