Giá trị của số hàng hóa chịu mức thuế trừng phạt bổ sung này vào khoảng 50 tỉ USD hồi năm 2017.
Con số trên cũng tương ứng với giá trị số hàng hóa Trung Quốc sẽ bị đánh thuế thêm 25% được Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố một ngày trước đó.
Danh sách này gồm khoảng 1.300 mặt hàng thuộc nhiều lĩnh vực như hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin và truyền thông, robot, máy móc...
USTR cho biết những sản phẩm trên được lựa chọn sao cho có tác động thấp nhất đối với người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ. Danh sách này chỉ mới là dự kiến và việc đánh thuế chưa có hiệu lực tức thì. Các công ty Mỹ có thời gian từ nay đến ngày 22-5 để đưa ra phản đối. Một cuộc điều trần công khai dự kiến diễn ra tại Washington hôm 15-5.
Đậu nành Mỹ nằm trong danh sách những sản phẩm bị Trung Quốc đánh thuế trừng phạt Ảnh: REUTERS
Tờ The Wall Street Journal nhận định đây là thách thức mạnh mẽ nhất của Mỹ đối với những tập quán thương mại Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.
Mục tiêu của bước đi này là ngăn Bắc Kinh hiện thực hóa chiến lược "Sản xuất tại Trung Quốc 2025" được Bắc Kinh công bố năm 2015 nhằm thống trị các lĩnh vực công nghệ chủ chốt, như công nghệ thông tin, robot, vật liệu mới, y sinh học… Đáp lại, Trung Quốc chỉ trích Mỹ vi phạm các quy định, nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới trước khi ra tay trả đũa.
Ngay cả khi một số nhà quan sát cho rằng tác động của bước đi trên không nhiều nếu so với với mức thâm hụt thương mại 375 tỉ USD của Mỹ với Trung Quốc năm ngoái, căng thẳng leo thang vẫn đe dọa dẫn đến chiến tranh toàn diện giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo trang The Hill, một số nhóm kinh doanh Mỹ lo ngại một kịch bản như thế đe dọa đến công ăn việc làm và kinh tế đất nước.
Ông Matthew Shay, Chủ tịch Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF), cho rằng biện pháp đánh thuế trừng phạt gây ra tình trạng không chắc chắn, cũng như khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng gánh thêm chi phí.
Một số nhóm doanh nghiệp khác thúc giục Washington làm việc với các đồng minh để tìm ra cách thức thúc đẩy cải cách ở Trung Quốc mà không gây hại đến kinh tế Mỹ. Họ cũng kêu gọi ông Trump theo đuổi một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nhằm tái cấu trúc quan hệ kinh tế song phương.
Họ có lý do để lo ngại bởi lịch sử cho thấy không ai chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại. Chẳng hạn, khi Tổng thống George W. Bush tăng thuế thép vào năm 2002, GDP của Mỹ giảm 30,4 triệu USD, theo số liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ. Ngoài ra, nước này còn mất khoảng 200.000 việc làm, trong đó có 13.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất thép thô.
Bình luận (0)