Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong cuộc họp báo: "Chúng tôi sẽ ủng hộ tất cả các quốc gia trên khắp thế giới cho rằng họ bị Trung Quốc vi phạm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cũng như lãnh hải hợp pháp. Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ, dù là tại các cơ quan đa phương, tại ASEAN hay thông qua phản ứng pháp lý, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả công cụ có thể".
Trước đó, hôm 13-7, Mỹ bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông khiến Bắc Kinh chỉ trích Washington làm tăng căng thẳng khu vực, nêu bật mối quan hệ ngày càng tồi tệ giữa hai nước.
Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ảnh: Reuters
Ông Pompeo khẳng định thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh xem biển Đông là đế chế hàng hải của riêng mình. Mỹ sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong bảo vệ chủ quyền của họ và các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo luật quốc tế.
Mỹ từ lâu đã phản đối các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông, thường xuyên điều tàu chiến thực hiện hoạt động tự do hàng hải trong khu vực.
Việc Mỹ bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông hôm 13-7 được xem là "đòn ngoại giao" mạnh mẽ chưa từng có.
Phản ứng sau khi lập trường về biển Đông của Mỹ được công bố, Bộ Quốc phòng Philippines hôm 14-7 tuyên bố đồng ý mạnh mẽ với Mỹ rằng cần phải có một trật tự dựa trên luật quốc tế ở biển Đông.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 15-7 cũng đã lên tiếng về tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách biển ở biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó".
Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36 rằng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.
Bình luận (0)