Ngày 23-5, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần về UNCLOS với sự tham gia của Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey.
Đường lưỡi bò (màu đỏ) của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế
của các nước trên Biển Đông (đường màu xanh). Nguồn: UNCLOS - CIA
Trong phiên điều trần, bà Clinton cho rằng tuyên bố chủ quyền bằng đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) của Trung Quốc vượt quá sự cho phép của UNCLOS. Khẳng định Mỹ ủng hộ các quốc gia “đang bị đường lưỡi bò của Trung Quốc uy hiếp”, bà Clinton nói: “Không gia nhập UNCLOS khiến Mỹ thiếu nền tảng pháp lý như Trung Quốc. Chúng ta tự đặt mình vào thế phòng thủ. Chúng ta không thể bênh vực bạn bè và đồng minh trong khu vực mạnh mẽ như mong muốn”.
Được ký kết vào năm 1982 và chính thức có hiệu lực từ năm 1994, UNCLOS hiện có 162 thành viên. Trung Quốc là một trong số đó. Đường lưỡi bò trên Biển Đông của Bắc Kinh gây ra tranh chấp chủ quyền biển với hàng loạt nước trong khu vực, gồm Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines – đồng minh chiến lược của Mỹ.
Mặc dù Mỹ đã tích cực tham gia vào quá trình đàm phán, soạn thảo UNCLOS, nhưng cho đến nay Thượng viện Mỹ vẫn chưa phê chuẩn việc trở thành thành viên chính thức của công ước này. Từ năm 1994 đến nay, các đời Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush đã nhiều lần đề nghị Thượng viện phê chuẩn, nhưng đều thất bại do sự chống đối của một số thượng nghị sĩ bảo thủ của đảng Cộng hòa.
Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, Ngoại trưởng Hillary Clinton
và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey tại phiên điều trần (từ phải qua). Ảnh: AP
Phát biểu tại cuộc điều trần kéo dài 3 giờ, Ngoại trưởng Clinton cho rằng gia nhập công ước này, Mỹ sẽ có thêm 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, đồng nghĩa với việc lãnh thổ Mỹ sẽ mở rộng thêm ít nhất bằng 1,5 diện tích bang Texas. Theo bà Clinton, trước đây, các công ty dầu khí của Mỹ chưa có đủ công nghệ để khai thác ở vùng nước sâu trên, nhưng nay đã sẵn sàng.
Là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ việc phê chuẩn UNCLOS, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cho rằng Mỹ sẽ được lợi nhiều nhất với tư cách là một trong những quốc gia có đường bờ biển dài nhất và có thềm lục địa mở rộng rộng nhất thế giới. Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, UNCLOS sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Mỹ có các quyền tự do hàng hải và tiếp cận toàn cầu cho các tàu thuyền thương mại và quân sự, máy bay và các đường cáp quang dưới đáy biển, thay vì như phải thông qua tập quán quốc tế như hiện nay.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Dempsey, nhận định UNCLOS sẽ là công cụ quan trọng giúp Mỹ giải quyết xung đột một cách hòa bình, giảm rủi ro leo thang xung đột. Theo ông, Mỹ là ủy viên thường trực duy nhất của Hội đồng Bảo an và là quốc gia Bắc Cực duy nhất không tham gia UNCLOS, vì thế bị hạn chế khả năng xây dựng liên minh cho những nỗ lực an ninh quốc tế quan trọng. “Chúng ta đã bắt đầu tái cân bằng lợi ích an ninh ở Thái Bình Dương, gia nhập UNCLOS lại càng quan trọng” – ông Dempsey nói.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ John Kerry
trình bày các quan điểm ủng hộ phê chuẩn UNCLOS. Ảnh: defense.gov
Tại buổi điều trần, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn phản đối tham gia UNCLOS với lo ngại về việc phải tham gia vào một ủy ban có hơn 160 thành viên mà Mỹ không có quyền phủ quyết nào.
Là người chủ trì buổi điều trần, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ John Kerry cho biết ông sẽ không đưa việc phê chuẩn UNCLOS ra bỏ phiếu tại Thượng viện trước khi cuộc bầu cử năm 2012 diễn ra để tránh ảnh hưởng đến quá trình vận động tranh cử.
Bình luận (0)