Trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp Indonesia Ryamizard Ryacudu, ông Mattis cho rằng: "Là điểm tựa hàng hải ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chắc chắn Indonesia sẽ đóng vai quan trọng".
Ông cũng bày tỏ sự sẵn sàng chấp nhận tên gọi mới - biển Bắc Natuna- mà Indonesia đặt cho vùng biển quanh quần đảo Natuna. "Chúng tôi có thể giúp duy trì nhận thức hàng hải ở biển Đông, biển Bắc Natuna. Đây là điều mà chúng tôi mong muốn thực hiện được" - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis bắt tay với người đồng cấp Indonesia Ryamizard Ryacudu hôm 23-1. Ảnh: VOA
Ông Mattis trước đó cũng bày tỏ mối quan ngại về tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông. Trong suốt cuộc họp báo, bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhiều lần dùng thuật ngữ Ấn Độ-Thái Bình Dương thay vì châu Á-Thái Bình Dương.
Một số nhà phân tích chính trị xem khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương là một nỗ lực nhằm chuyển sự chú ý khỏi Trung Quốc và để nhấn mạnh Ấn Độ và các nước Ấn Độ Dương, trong đó có Indonesia.
Hồi tháng 7-2017, chính phủ Indonesia công bố bản đồ quốc gia mới được chỉnh sửa, trong đó đổi tên vùng đặc quyền kinh tế ở phía Bắc quần đảo Natuna thành biển Bắc Natuna. Vùng biển này từng là một phần của biển Đông. Với lần đổi tên này, biển Đông sẽ không được dùng để chỉ bất kỳ vùng lãnh hải nào của Indonesia nữa.
Trong khi thừa nhận chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna, Trung Quốc cho rằng hai nước cần giải quyết những quyền và lợi ích hàng hải chồng lấn ở khu vực này. Tuy nhiên Jakarta đã bác bỏ tuyên bố trên của Bắc Kinh.
Ngay sau khi Indonesia đổi tên vùng biển, Trung Quốc lên tiếng phản đối khi cho rằng việc thay đổi một tên gọi được quốc tế chấp nhận sẽ dẫn tới sự phức tạp và mở rộng tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, đồng thời không mang lại mối quan hệ hòa bình giữa hai nước.
Đáp lại, Indonesia nhấn mạnh nước này có quyền đổi tên vùng lãnh hải của mình và biển Bắc Natuna thuộc lãnh thổ của Indonesia.
Bình luận (0)