Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp người đồng cấp của các quốc gia Ả Rập tại Jordan ngày 4-11, một ngày sau cuộc hội đàm ở Israel với Thủ tướng Benjamin Netanyahu - người tuyên bố Israel sẽ không dừng lại cho đến khi Hamas trả tự do cho toàn bộ con tin Israel.
Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi khẳng định các nước Ả Rập muốn lệnh ngừng bắn được thiết lập ngay lập tức. Ông nói thêm rằng "cả khu vực đang chìm trong một biển lửa hận thù có thể định hình các thế hệ mai sau".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh "quan điểm của chúng tôi là lệnh ngừng bắn sẽ chỉ gián tiếp tạo điều kiện cho Hamas tập hợp lại và lặp lại cuộc tấn công ngày 7-10".
Ông cho biết "các khoảng tạm dừng nhân đạo" đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ dân thường, cung cấp viện trợ và đưa công dân nước ngoài ra khỏi khu vực, "trong khi vẫn giúp Israel đạt được mục tiêu của họ là đánh bại Hamas".
Ngoại trường Mỹ Antony Blinken trên máy bay di chuyển từ Israel đến Jordan hôm 3-11. Ảnh: AP
Một số quan chức giấu tên của Ai Cập tiết lộ với hãng tin AP rằng họ và Qatar đang đề xuất các khoảng "tạm dừng nhân đạo" từ 6-12 giờ mỗi ngày nhằm tạo điều kiện cho nỗ lực viện trợ và sơ tán nạn nhân.
Israel nhiều lần kêu gọi 1,1 triệu cư dân phía Bắc của Gaza di chuyển về phía Nam để đảm bảo an toàn. Hôm 4-11, Israel ra thời hạn 3 giờ để người dân ở Bắc Gaza thực hiện yêu cầu trên.
"Bất kỳ ai ở TP Gaza đều đang mạo hiểm mạng sống của mình" – Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói.
Cơ quan Y tế Gaza cho biết gần 9.500 người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi Israel tấn công đáp trả nhóm vũ trang Hamas.
Xung đột Israel - Hamas nổ ra vào ngày 7-10 khi Hamas tấn công Israel, cướp đi sinh mạng của 1.400 người. Ảnh: Reuters
Ở một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4-11 cho biết họ đã triệu hồi đại sứ của nước này tại Tel Aviv để tham vấn, giữa lúc Israel từ chối ngừng bắn ở Gaza.
Chỉ trích chiến dịch đáp trả của Israel ở Gaza, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu của quốc gia này là thiết lập lệnh ngừng bắn toàn diện trong khu vực.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 4-11, Tổng thống Erdogan cho biết ông đã cắt đứt toàn bộ liên lạc với Thủ tướng Netanyahu vì những quyết định của Israel tại Gaza.
"Thủ tướng Netanyahu không còn là người mà chúng tôi có thể nói chuyện cùng nữa. Chúng tôi đã cắt đứt mọi liên lạc với ông ta" – Tổng thống Erdogan tuyên bố, theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 4-11 thông báo cắt đứt mọi liên lạc với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters
Tàu sân bay Mỹ đến Trung Đông
Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) mới đây thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Dwight D. Eisenhower đã có mặt tại Trung Đông và vùng lãnh thổ do CENTCOM chịu trách nhiệm.
Đây là một phần trong kế hoạch của Washington nhằm gia tăng hiện diện quân sự ở Trung Đông để ngăn chặn rủi ro Iran và các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn leo thang xung đột Israel - Hamas.
Với sự hiện diện của Dwight D. Eisenhower, Mỹ hiện có 2 tàu sân bay trên Địa Trung Hải – một cảnh tượng hiếm thấy. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford trước đó đã có mặt ở phía Đông của Địa Trung Hải nhằm hỗ trợ Israel.
Bình luận (0)