Đây là năm thứ hai liên tiếp, con số này tăng ở cấp độ toàn cầu, lên đến 1.800 tỉ USD trong năm 2018, đẩy chi tiêu quân sự đạt đến mức cao nhất kể từ năm 1988.
Theo SIPRI, chi tiêu quân sự của Trung Quốc cũng như Mỹ đã thúc đẩy mức chi tiêu chung tăng cao.
Mức chi tiêu quân sự của Mỹ tăng lần đầu tiên trong 7 năm qua. Ảnh: SPUTNIK
Số tiền Mỹ chi cho quân sự trong năm 2018 là 649 tỉ USD, bằng với tổng ngân sách quốc phòng của 8 quốc gia có mức chi tiêu quân sự cao nhất đứng sau Mỹ.
Mức chi tiêu của quân đội Mỹ lần đầu tiên tăng lên trong vòng 7 năm qua, phản ánh chính sách của chính quyền hiện tại của nước này.
"Mỹ gia tăng chi tiêu quân sự là do chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện các chương trình mua vũ khí mới từ năm 2017" - ông Aude Fleurant, giám đốc chương trình chi tiêu quân sự và vũ khí của SIPRI, nhấn mạnh.
Tháng 8-2018, Tổng thống Trump ký ban hành đạo luật chi tiêu quân sự 2019, cho phép Bộ Quốc phòng đầu tư khoảng 717 tỉ USD vào các chiến lược quân sự đối phó với Nga và Trung Quốc.
Mức chi của Trung Quốc đã tăng 83% kể từ năm 2009, đưa nước này lên hàng thứ hai toàn cầu - trên cả Ả Rập Saudi, Ấn Độ (quốc gia đang hiện đại hóa các lực lượng vũ trang) và Pháp. Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã chi 1,9% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào các mục tiêu quân sự.
Tàu tuần tra Vasily Bykov của Nga. Ảnh: RIA NOVOSTI
Trong khi đó, Nga đã lọt ra khỏi top 5 quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu. Ngân sách quân sự nước này sụt giảm kể từ năm 2016, xuất phát từ lệnh trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây - có hiệu lực từ năm 2014 đến nay - do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Trong lúc Nga giảm chi tiêu quân sự, Ukraine lại tăng ngân sách quân sự 21% vào năm 2018, đạt con số 4,8 tỉ USD.
Bình luận (0)