Tờ The Guardian (Anh) đưa tin gần 400 người đã thiệt mạng trong 1 tuần đụng độ ở bang Rakhine, sau khi các phần tử nổi dậy Rohingya tấn công 30 đồn cảnh sát hôm 25-8 và quân đội Myanmar đáp trả mạnh tay. Nhóm có tên là "Đội quân Cứu giúp Akaran Rohingya" (ARSA) nhận trách nhiệm các vụ tấn công chưa từng có này.
Theo Liên Hiệp Quốc, các vụ đụng độ mới khiến gần 38.000 người Rohingya rời bỏ làng mạc và cố vượt biên sang Bangladesh - nơi hàng trăm ngàn người tị nạn từ Myanmar đang trú ngụ. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền ở Myanmar, bà Yanghee Lee, hôm 31-8 kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực ngày một tồi tệ nói trên.
Người tị nạn Rohingya chịu trận dưới mưa lớn khi vượt biên sang Bangladesh hôm 31-8 Ảnh: REUTERS
Bạo lực bùng phát vài ngày sau khi một ủy ban quốc tế - do cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan dẫn đầu - cảnh báo cực đoan hóa sẽ gia tăng nếu căng thẳng sắc tộc không được giải quyết.
Nhà chức trách Bangladesh cảnh báo người Rohingya càng lúc càng tuyệt vọng và cố thoát thân bằng thuyền đánh cá, bất chấp khả năng có thể bị trả về. Các nhân viên cứu trợ cung cấp nơi ở tạm và lương thực ở Bangladesh nhấn mạnh người tị nạn Rohingya "rất tuyệt vọng", đồng thời cho biết một số người mới đến bị những vết thương do đạn bắn - theo đài BBC.
Bang Rakhine, khu vực nghèo nhất ở Myanmar, là quê hương của hơn 1 triệu người Rohingya nhưng họ không được xem là công dân nước này. Trong mấy năm nay, địa phương này chứng kiến nhiều làn sóng bạo lực gây chết người.
Trong một vụ tấn công được cho là do ARSA đứng sau hồi tháng 10-2016, hàng trăm người đàn ông Rohingya - trang bị dao, súng trường và súng cao su - tấn công 3 chốt gác ở bang Rakhine, giết chết 9 cảnh sát. Sau đó, quân đội Myanmar đã càn quét trong nhiều tháng trời.
Bình luận (0)