Một số hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng cho thấy nhiều người, trong đó có cả trẻ em, trúng đạn của lực lượng an ninh.
Trong khi đó, Thượng tướng Min Aung Hlaing khẳng định quân đội Myanmar chỉ muốn chung tay với cả nước để bảo vệ nền dân chủ, ám chỉ tuyên bố trước đó của quân đội Myanmar rằng cuộc bầu cử hồi tháng 11-2020 bị gian lận.
"Những hành vi bạo lực làm ảnh hưởng đến ổn định và hòa bình nhằm đưa ra các yêu cầu là không phù hợp" – Thượng tướng Aung Hlaing nói.
Các nhà lập pháp được bầu chọn trong cuộc bầu cử nêu trên đã ra một tuyên bố trái ngược.
Ông Mahn Win Khaing Than, quyền phó tổng thống được bổ nhiệm bởi Ủy ban Đại diện Pyidaungsu Hluttaw (CRPH) hoạt động thay mặt những chính trị gia dân sự bị lật đổ, hôm 27-3 tuyên bố nền dân chủ Myanmar đang hiện hữu nhờ nỗ lực chung của tất cả dân tộc nhằm lật đổ hoàn toàn chế độ quân sự độc tài đã tồn tại hàng thập kỷ.
Không tính thương vong ngày 27-3, đã có 328 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị bắt giữ kể từ cuộc đảo chính hôm 1-2, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP).
Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán kinh tế Myanmar sụt giảm 10% trong năm nay. Quốc gia 54 triệu dân này đang đứng trước nguy cơ trở thành điểm bùng phát xung đột trong khu vực vì bất ổn chính trị.
Căng thẳng hiện gia tăng giữa quân đội Myanmar và Liên minh Quốc gia Karen (KNU) – một nhóm vũ trang thiểu số chỉ trích cuộc đảo chính và đang che chở những người bất bình với chính quyền quân sự Myanmar tại khu vực của họ gần biên giới Thái Lan.
Theo Reuters, giới tướng lĩnh quân sự hàng đầu nhiều nước của Mỹ, châu Âu và châu Á dự định có một động thái hiếm hoi trước tình hình Myanmar. 12 tổng tham mưu trưởng các nước, bao gồm Úc, Canada, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Anh và Mỹ, cùng ký bản tuyên bố chung và dự kiến công bố cuối tuần này.
Bản dự thảo Reuters có được nêu nội dung "lên án việc sử dụng vũ lực gây chết người nhằm vào người dân không vũ trang của lực lượng vũ trang Myanmar cùng các lực lượng an ninh khác". Theo họ, quân đội chuyên nghiệp phải tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về việc "bảo vệ chứ không phải làm hại người dân".
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!