Quốc gia Đông Nam Á rơi vào khủng hoảng chính trị kể từ khi quân đội lật đổ và bắt giữ lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi vào ngày 1-2.
Hôm 6-3, các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự Myanmar tiếp tục nổ ra và, theo truyền thông địa phương, cảnh sát sử dụng lựu đạn cay và lựu đạn gây choáng để giải tán một đám đông ở quận Sanchaung, TP Yangon. Chưa có báo cáo thương vong về đợt trấn áp này.
Đến đêm cùng ngày, người dân địa phương khẳng định với Reuters rằng cảnh sát và binh sĩ Myanmar tiến vào nhiều khu vực ở Yangon, nổ súng và bắt giữ ít nhất 3 người tại thị trấn Kyauktada. Lí do bắt giữ không được công bố.
Binh lính Myanmar cũng tìm kiếm một luật sư làm việc cho đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) nhưng không tìm được.
Người biểu tình Myanmar hôm 6-3 tiếp tục xuống đường phản đối chính quyền quân sự. Ảnh: Reuters
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, hơn 1.500 người đã bị quân đội Myanmar bắt giữ kể từ cuộc đảo chính. Hiệp hội này và Liên Hiệp Quốc khẳng định hơn 50 người biểu tình đã thiệt mạng.
Giới chức Myanmar hôm 6-3 cho biết họ đã khai quật thi thể của Kyal Sin, người đã trở thành biểu tượng của phong trào biểu tình phản đối chính quyền quân sự, sau khi bị bắn chết tại TP Mandalay vào 3 ngày trước đó trong lúc mặc áo có dòng chữ: "Mọi thứ rồi sẽ ổn".
Đài phát thanh và truyền hình nhà nước Myanmar (MRTV) khẳng định một cuộc điều tra phẫu thuật cho thấy Sin, 19 tuổi, có thể đã không bị cảnh sát bắn chết bởi nạn nhân bị bắn từ phía sau trong khi cảnh sát đứng ở phía trước. Cũng theo MRTV, viên đạn đoạt mạng nạn nhân không trùng khớp với đạn cảnh sát.
Loạt ảnh từ đợt biểu tình hôm 3-3 cho thấy cô quay lưng về phía lực lượng an ninh không lâu trước khi bị bắn. Những người phản đối cuộc đảo chính cáo buộc giới chức Myanmar nỗ lực che đậy.
Kyal Sin quay lưng về phía lực lượng an ninh không lâu trước khi bị bắn chết. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)