Theo báo cáo thường niên mới nhất của Mạng lưới Các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) - một sáng kiến do Liên Hiệp Quốc khởi xướng vào năm 2012 - những quốc gia đứng sau Na Uy lần lượt là Đan Mạch, Iceland, Thụy Sĩ, Phần Lan, Hà Lan, Canada, New Zealand, Úc và Thụy Điển.
Trong khi đó, Mỹ tụt 1 hạng xuống vị trí thứ 14. Ông Jeffrey Sachs, giám đốc SDSN kiêm cố vấn đặc biệt của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cho biết nguyên nhân sụt hạng là sự bất bình đẳng, mất lòng tin và tham nhũng tại Mỹ. Trang Bloomberg cũng nhận định thứ hạng không ấn tượng của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cho thấy tiền không phải lúc nào cũng mua được hạnh phúc.
Cũng theo báo cáo, Đức vẫn giữ hạng 16 trong năm thứ 2 liên tiếp trong khi Anh tăng 4 hạng lên vị trí thứ 19, Pháp hạng 31 và Nga đứng thứ 49. Theo sau là Nhật Bản ở vị trí 51 và Trung Quốc đứng thứ 79. Việt Nam xếp thứ 94 trên 155 quốc gia có tên trong bảng xếp hạng. Trong khi đó, nhóm 10 quốc gia đứng cuối danh sách này gồm: Cộng hòa Trung Phi, Burundi, Tanzania, Syria, Rwanda, Togo, Guinea, Liberia, Nam Sudan và Yemen.
Bảng xếp hạng được thực hiện dựa trên 6 yếu tố gồm tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và vấn đề tham nhũng trong chính phủ hoặc doanh nghiệp.
Theo ông Sachs, các quốc gia hạnh phúc là những nước có sự cân bằng giữa sự thịnh vượng, niềm tin cao vào xã hội, tỉ lệ bất bình đẳng thấp và lòng tin vào chính phủ. Trong khi đó, ông John Helliwell, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết những quốc gia có thứ hạng tích cực đều có “mức độ tin tưởng lẫn nhau cao, mục đích chung, sự hào phóng và quản lý tốt”.
Là nước sản xuất dầu, Na Uy vẫn trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới bất chấp giá sản phẩm này sụt giảm. Theo đài CNN, điều này chứng tỏ việc các quốc gia dùng tiền cho việc gì mới quan trọng, không phải chỉ là vấn đề tăng thu nhập. Ông Helliwell chỉ ra rằng bằng cách dùng nguồn thu từ dầu để đầu tư cho lợi ích của các thế hệ tương lai, Na Uy đã tránh rơi vào bất ổn như những nền kinh tế nhiều dầu mỏ khác.
Báo cáo năm nay cũng tập trung vào hạnh phúc tại nơi làm việc. Cuộc nghiên cứu nhận thấy người nắm giữ vị trí được trả lương cao sẽ hạnh phúc hơn bên cạnh các yếu tố quan trọng khác như sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, tính chất công việc và mức độ tự chủ trong công việc.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào năm 2012 quyết định chọn 20-3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc từ sáng kiến của Bhutan khi cho rằng hạnh phúc và phúc lợi là mục đích và nguyện vọng chung của người dân trên khắp thế giới. Năm nay, ông Sachs khuyên các quốc gia nên theo chân một số nước, như Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, trong việc bổ nhiệm bộ trưởng Hạnh phúc.
Bình luận (0)