xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Năm 2014: Nóng bỏng, khó đoán

Hoàng Phương

Ngay cả một nơi lạnh giá như Bắc Cực cũng “toát mồ hôi” khi ngày càng có nhiều nước bộc lộ rõ tham vọng thống trị

Sự chia rẽ trong nội bộ chính trường Mỹ, vấn đề hạt nhân Iran và tranh cãi về chủ quyền biển đảo trên biển Hoa Đông hứa hẹn vẫn là điểm nóng trên chính trường thế giới năm 2014.

Nhiều nơi tiếp tục tăng nhiệt

Về tình hình Hoa Đông, Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) dự báo căng thẳng sẽ leo thang, nhất là sau khi Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không. CFR không loại trừ khả năng xảy ra một vụ va chạm vô tình khi mà quân đội Nhật Bản và Trung Quốc hoạt động quá gần nhau trên vùng biển này. Do hai nước chưa có cơ chế liên lạc để giải quyết khủng hoảng nên một xung đột nhỏ cũng có thể châm ngòi cho đối đầu lớn.

Đón chào một năm 2014 nhiều kỳ vọng và thách thức trên Quảng trường Thời đại ở New York - Mỹ. Ảnh: AP
Đón chào một năm 2014 nhiều kỳ vọng và thách thức trên Quảng trường Thời đại ở New York - Mỹ. Ảnh: AP

Trong khi đó, chính trường Mỹ khép lại năm 2013 đầy chông gai bằng một thỏa thuận ngân sách giúp đẩy lùi nguy cơ đóng cửa chính phủ đến tháng 9-2015. Nhưng như vậy không có nghĩa là kết thúc cuộc chiến bầm dập về thuế và chi tiêu. Mùa xuân này, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa dường như sẽ tái đấu trong vấn đề nâng trần nợ, dự báo gây chấn động thị trường và cản trở kinh tế Mỹ.

Cuộc thương thuyết hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức) tiếp tục khiến người ta chú ý dù hai bên đã đạt được thỏa thuận tạm thời hồi tháng 11-2013. Sự thiếu tin tưởng giữa Mỹ và Iran cũng như tính phức tạp của chính trường 2 nước chính là trở ngại lớn nhất để đi đến một thỏa thuận toàn diện trong năm 2014.

Bên cạnh đó, tạp chí Foreign Policy còn nhắc đến một loạt xung đột có nguy cơ đe dọa sự ổn định toàn cầu trong năm 2014, như cuộc chiến ở Syria, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi… Đó là chưa kể đến những nước vẫn còn bất ổn như Afghanistan, Libya, Iraq…

Khu vực Bắc Caucacus của Nga đột ngột nóng trở lại với nguy cơ gia tăng bạo lực khi Thế vận hội mùa đông diễn ra ở Sochi trong tháng 2 tới. Ngay cả một nơi lạnh giá như Bắc Cực cũng đang “toát mồ hôi” khi ngày càng có nhiều nước bộc lộ rõ tham vọng thống trị nơi được cho là giàu dầu khí và tài nguyên khoáng sản này.

Những cuộc bầu cử bất ngờ

Một điểm đáng chú ý khác của chính trường thế giới năm 2014 là nhiều nước sẽ tiến hành bầu cử giữa lúc cử tri dường như vẫn còn bất mãn như Nam Phi, Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ...

Theo CFR, tỉ lệ thất nghiệp tại các nước công nghiệp phát triển vẫn ở mức cao và cử tri trở nên mất kiên nhẫn với những năm tháng “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ. Tại những nước có nền kinh tế đang nổi lên, cử tri lại bất bình về những chuyện khác, như tốc độ phát triển chậm chạp, bất bình đẳng trong thu nhập, tham nhũng, dịch vụ công kém cỏi...

Cuộc bầu cử ở Ấn Độ có lẽ là quan trọng nhất và hứa hẹn mang lại kết quả ngạc nhiên. Theo một số nhà phân tích, liên minh cầm quyền do Đảng Quốc Đại đứng đầu sẽ thất bại trước một liên minh mới do đảng cánh hữu Bharatiya Janata (BJP) dẫn dắt. Nguyên nhân là do cử tri không hài lòng khi chính phủ hiện nay thể hiện năng lực lãnh đạo kém và để tham nhũng tràn lan.

Đối với Nga, các chính sách đối nội và đối ngoại sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ trong năm 2014. Theo ông James Sherr, một chuyên gia tại Tổ chức Chatham House (Anh), Moscow sẽ làm mọi cách để ngăn EU lôi kéo các nước láng giềng của mình.  Trên phạm vi toàn cầu, Nga tiếp tục nhấn mạnh “quyền được tham vấn” về mọi vấn đề quan trọng.

Không may mắn như Nga, chính trường của Ý, Bồ Đào Nha, Hy Lạp vẫn còn nhiều biến động. Một số chuyên gia lo ngại chính phủ tại ít nhất một trong những nước trên sẽ sụp đổ trong năm 2014.

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhẹ

Ông Nariman Behravesh, nhà kinh tế hàng đầu của Công ty Nghiên cứu Kinh tế IHS, dự báo kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2014, so với 2,5% năm 2013. Đáng chú ý là 9/10 dự báo của IHS cho năm 2013 đã sát với thực tế.

Dưới đây là 10 dự báo của ông Behravesh cho năm 2014:

1. Kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,6% trong năm 2014, so với 1,7% năm 2013. Sự tác động từ chính sách tài khóa sẽ giảm đi khiến các điểm mạnh kinh tế của Mỹ được tăng cường.

2. Châu Âu tiếp tục phục hồi nhưng rất chậm. Nhờ sự nới lỏng chính sách tiền tệ lẫn chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà châu Âu đạt mức tăng trưởng 0,8% và ổn định được thị trường lao động.

3. Tăng trưởng của Trung Quốc nhích từ 7,8% năm 2013 lên 8% năm 2014. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế mới nổi hàng đầu.

4. Các nền kinh tế mới nổi khác cũng tăng trưởng nhẹ, từ 4,7% năm 2013 lên 5,4% trong năm nay.

5. Tỉ lệ thất nghiệp ở các nền kinh tế phát triển giảm rất ít và vẫn ở mức 7,9%, so với 8,1% năm 2013. Riêng Mỹ, tỉ lệ thất nghiệp từ 7,5% năm 2013 giảm còn 6,6%.

6. Giá hàng hóa không thay đổi so với năm 2013 trong khi lạm phát vẫn gây đe dọa.

7. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu giảm bớt các biện pháp kích thích kinh tế trong khi các ngân hàng trung ương có khuynh hướng ngược lại.

8. Trở lực về chính sách tài khóa sẽ giảm, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu. Tình trạng thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ dự kiến vẫn dưới 700 tỉ USD như năm 2013.

9. USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác do tăng trưởng của Mỹ vững chắc hơn.

10. Đối với kinh tế toàn cầu, rủi ro tăng trưởng sẽ nhiều hơn rủi ro suy thoái. Lục San

 


 

Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm nạn nhân 2 vụ đánh bom tại Volgograd ngày 1-1-2014 Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm nạn nhân 2 vụ đánh bom tại Volgograd ngày 1-1-2014 Ảnh: Reuters

 

Cứng rắn và tham vọng

Trong bài phát biểu mừng năm mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ tiêu diệt tất cả các phần tử khủng bố sau 2 vụ tấn công làm ít nhất 34 người thiệt mạng ở TP Volgograd. “Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố một cách tự tin, mãnh liệt và cương quyết cho đến khi chúng bị tiêu diệt hoàn toàn” - ông Putin nhấn mạnh.

Thừa nhận “những vấn đề và thử thách nghiêm trọng”, Tổng thống Putin cam kết sẽ bảo đảm an ninh trong năm 2014 khi Nga tổ chức Thế vận hội mùa đông Sochi vào tháng 2.

Tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình tỏ ra tự tin vào tiến trình cải cách và tuyên bố mở rộng quyền lực mềm bằng cách truyền bá văn hóa nước này ra thế giới, thực hiện tham vọng trở thành cường quốc văn hóa toàn cầu.

Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình kêu gọi các thành viên chính phủ và người dân Trung Quốc cần xây dựng hình ảnh một quốc gia hùng mạnh với chính phủ tốt, kinh tế mạnh, đất nước thống nhất và văn hóa phồn vinh.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận định hiến pháp hòa bình thời hậu chiến của nước này có thể được chỉnh sửa trước năm 2020. Trong bài xã luận đăng trên tờ Sankei, ông Abe viết: “Đến năm 2020, tôi nghĩ Nhật sẽ hoàn toàn khôi phục vị thế và có đóng góp lớn lao vào sự hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới”. Về chính sách an ninh, ông Abe quả quyết sẽ bảo vệ đến cùng lãnh thổ trên đất liền, trên biển và trên không.

Tại Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất ngờ kêu gọi tăng cường quan hệ với Hàn Quốc trong khi vẫn đe dọa Mỹ. “Nếu chiến tranh lại nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, thảm họa hạt nhân khổng lồ sẽ xảy ra và Mỹ sẽ không bao giờ được an toàn” - ông Kim nói. Trong bài phát biểu, ông Kim cũng hoan nghênh vụ thanh trừng người dượng Jang Song-thaek, dù không nêu tên trực tiếp, là giúp tăng cường sự đoàn kết bên trong Đảng Lao động cầm quyền.                                     Mỹ Nhung

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo